Trường Cao Đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC) được thành lập theo Quyết định số 130/QĐ-BLĐTBXH, ngày 22/01/2009 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Với sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Ngoại ngữ, Công nghệ – Kỹ thuật, Dịch vụ – Du lịch và Kinh tế – Thương mại cho thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Trường có đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn gồm: 01 Giáo sư, 04 Phó Giáo sư, 28 Tiến sĩ, 115 Thạc sĩ, 70 Cử nhân Đại học và người có học hàm cao nhất chính là GS Trần Quốc Thành – Giám đốc Trung tâm Tư vấn học đường và Hợp tác doanh nghiệp, Phó Trưởng khoa Du lịch và Thương mại – bậc đại thụ trong ngành Tâm lý học của nước ta.
Bén duyên với giảng đường Khoa Địa lý – trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1969, sau hai năm học, sinh viên Trần Quốc Thành đã gác bút nghiên lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào. Năm 1975, sau khi cùng Quân đội nhân dân Việt Nam góp sức và một phần thanh xuân giúp lực lượng Pathet Lào lật đổ chính phủ Vương quốc Lào, chiến sĩ Trần Quốc Thành tiếp tục trở lại giảng đường hoàn thành sự nghiệp đèn sách.
Tốt nghiệp khoa Địa lý, sinh viên ưu tú Trần Quốc Thành được giữ lại trường và hoàn thành Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học, sau đó thầy chuyển sang công tác tại Khoa Tâm Lý Giáo dục, thầy bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý học năm 1992. Kể từ đây, lương duyên giữa thầy với ngành Tâm lý học ngày càng gắn bó và những đóng góp cho ngành của thầy cũng mở ra kỷ nguyên mới với 33 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế như: “Đổi mới dạy học tâm lý học ở các trường Đại học Sư phạm hiện nay lối sống thực dụng của sinh viên hiện nay”, “Đổi mới phương pháp dạy học dưới góc độ tâm lý học”, “Người dạy cần quan tâm đến phong cách học tập của người học”, “Human emotional management skills”, “Người dạy cần quan tâm đến phong cách học tập của người học”, “Những khó khăn tâm lý của người lãnh đạo trong quan hệ công tác với cấp dưới”, “Nâng cao chất lượng đào tạo giảng viên tâm lý giáo dục trong thời kỳ đổi mới”; thầy đã tham gia hoặc chủ trì 7 công trình nghiên cứu khoa học, bên cạnh đó là 4 đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước; thầy là tác giả hoặc đồng tác giả của 3 đầu sách chuyên khảo. Những công trình, đề tài do Giáo sư là tác giả hoặc đồng tác giả đều có tính ứng dụng cao, gắn liền với thực tiễn của ngành Tâm lý học cũng như ngành giáo dục, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, tạo tiếng vang lớn với các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.
Bên cạnh sự nghiệp nghiên cứu và những đóng góp cho công tác nghiên cứu khoa học, GS Trần Quốc Thành còn tham gia các hội đồng tư vấn xét duyệt, nghiệm thu đánh giá các chương trình đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước; thầy cũng có đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục, bên cạnh giảng dạy nhiều thế hệ sinh viên, Giáo sư đã hướng dẫn và đồng hướng dẫn cho cho 30 Tiến sĩ và khoảng 200 Thạc sĩ bảo vệ Luận văn, Luận án thành công.
Với những đóng góp không mệt mỏi đó, năm 2016 thầy được phong hàm Giáo sư. Trong thời gian công tác tại Khoa Tâm Lý Giáo dục, Giáo sư được cấp trên và đồng nghiệp tin yêu, kính trọng, thầy từng giữ các chức vụ Phó Trưởng khoa và Trưởng khoa. Từ tháng 3/2023 thầy chuyển về công tác tại trường Cao đẳng Ngoại ngữ Công nghệ Hà Nội đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm Tư vấn học đường và Hợp tác doanh nghiệp, Phó Trưởng khoa Du lịch và Thương mại.
Từ những kinh nghiệm của 40 năm nghiên cứu và giảng dạy cho các bậc Đại học, Cao học và Nghiên cứu sinh, GS Trần Quốc Thành đã giúp khoa Du lịch và Thương mại có nhiều bước tiến bộ vượt bậc: chương trình đào tạo được đổi mới liên tục, phương pháp giảng dạy luôn được cập nhật và ứng dụng những phương pháp tiên tiến, hiệu quả.
Điều này giúp sinh viên vừa nắm vững kiến thức, vừa phát triển tốt những kỹ năng thực tế, trang bị kiến thức vững vàng cho tương lai. Thầy không chỉ là một người thầy giàu kinh nghiệm mà còn như một người bạn thân thiết, gần gũi của nhiều thế hệ học trò. Thầy là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò, cho những nhà Tâm lý học trẻ của và là người thầy lớn trong ngành Tâm lý học Việt Nam, giúp ngành ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế.