Truyền thông là một hiện tượng phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố tác động qua lại lẫn nhau. Chính vì vậy, chúng ta cần kết nối những yếu tố đó một cách logic trong từng mô hình cụ thể để nhận định tổng quan hiện tượng truyền thông. Có thể gọi đó là các mô hình truyền thông, các lý thuyết truyền thông.
Nội dung bài viết
Mô hình truyền thông là gì?
Các mô hình truyền thông là dạng thức biểu hiện cụ thể, đầy đủ lý thuyết truyền thông và phản ánh mối liên quan của các yếu tố trong quá trình thực hiện truyền thông. Ứng dụng của các mô hình này là cung cấp cho công chúng những thông tin mà họ cần để đưa ra quyết định tốt nhất có thể về cuộc sống của họ, cộng đồng, xã hội của họ, và chính phủ của họ. Quá trình truyền thông diễn ra theo trình tự tuyến tính thời gian với các yếu tố tham dự chính dưới đây
Nguồn: là yếu tố mang thông tin tiềm năng và cũng là yếu tố khởi xướng quá trình truyền thông. Nguồn phát là một người hay một nhóm người, tổ chức, mang trong mình nội dung thông tin (thông điệp), trao đổi (mục đích lan truyền) với người khác hay nhóm xã hội khác. Thường có nguồn chính thức và phi chính thức.
Thông điệp: là yếu tố mang nội dung thông tin được trao đổi từ nguồn phát đến các đối tượng tiếp nhận. Đối với các mô hình truyền thông, thì thông điệp truyền thông là tập hợp ký hiệu có cấu trúc chặt chẽ, mang ý nghĩa, được dùng để trao đổi giữa chủ thể và công chúng hay nhóm đối tượng truyền thông
Kênh truyền thông: là phương tiện, con đường, cách thức chuyển tải những thông điệp từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận. Dựa vào tính chất, đặc điểm chi tiết, người ta sẽ chia truyền thông thành các loại hình khác nhau như: truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm, truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp, truyền thông gián tiếp, truyền thông đa phương tiện…
Người nhận: Người nhận hay công chúng, nhóm đối tượng được nói đến trong các mô hình truyền thông chính là cá nhân hay nhóm người tiếp nhận thông điệp. Hiệu quả của truyền thông được nhận định trên cơ sở các thay đổi về nhận thức, thái độ và hành vi xã hội của công chúng, nhóm đối tượng tiếp nhận cùng những hiệu ứng xã hội do truyền thông đem lại.
Phản hồi: là thông tin ngược, dòng chảy của thông điệp từ công chúng, nhóm đối tượng tác động trở lại nguồn phát. Ở đây sự phản hồi là thước đo hiệu quả của hoạt động truyền thông đang diễn ra. Trong một số trường hợp khác, mạch phản hồi có kết quả bằng không hoặc không đáng kể. Điều đó có nghĩa là thông điệp phát ra ít hay tâm chí là không tạo được sự quan tâm của công chúng, nhóm đối tượng truyền thông.
Nhiễu: là yếu tố sẽ gây ra sự sai lệch rất khó dự tính được trước trong quá trình truyền thông (tiếng ồn, tin đồn, các yếu tố tâm lý, kỹ thuật…) dẫn đến tình trạng thông điệp, thông tin bị tiếp nhận sai lệch.
Các yếu tố khác: quá trình vận hành còn tính đến một số yếu tố khác điển hình là hiệu lực và hiệu quả truyền thông.
Các mô hình truyền thông phổ biến hiện nay
Mô hình của Harold Lasswell
Một trong các mô hình truyền thông hiện được sử dụng nhiều ngày nay là mô hình Harold Lasswell (Harold Lasswell là nhà chính trị học nổi tiếng người Mỹ). Khi mô hình này đưa ra thì lập tức đã được mọi người chấp nhận vì nó đơn giản, dễ hiểu và thông dụng.
Mô hình này bao gồm các phần tử chủ yếu của quá trình truyền thông, trong đó:
- S – Ai? (Source, Sender): Nguồn, người cung cấp, khởi xướng.
- M – Nói, đọc, viết gì? (Message): Thông điệp, nội dung thông báo.
- C- Kênh (channel): Bằng kênh nào, mạch truyền nào.
- R – Cho ai?(receiver): Người tiếp nhận, nơi nhận.
- E – Hiệu quả (effect): Hiệu quả, kết quả của quá trình truyền thông.
Với mô hình này của Harold Lasswell, mọi việc nghiên cứu có thể được tiến hành và tập trung vào những phần tử đó.
- Phân tích nguồn (S): Ai là người cung cấp?.
- Phân tích nội dung (M): Thông điệp truyền tải chứa đựng gì?.
- Phân tích phương tiện (C): Kênh nào được sử dụng và sử dụng như thế nào?.
- Phân tích đối tượng (R): Ai là người nhận?.
- Phân tích hiệu quả (E):Thay đổi hành vi ra sao? Thông tin được phản hồi thế nào?.
Mô hình của Claude Shannon
Mô hình của Claude Shannon được cải tiến dựa dựa trên mô hình của Harold Lasswell. Dựa theo lý thuyết thông tin, điều khiển học (Cybernetics) của Claude Shannon và một số nhà nghiên cứu khác, quá trình truyền thông còn được bổ sung thêm hai yếu tố: Hiện tượng nhiễu (Noise) và phản hồi (Feedback). Vì thế, mô hình của Harold Lasswell có thể bổ sung như sau:
Ở mô hình này, phản hồi (Feedback) được hiểu là sự tác động ngược trở lại của thông tin từ phía người tiếp nhận đối với người truyền tin. Phản hồi là phần tử thiết yếu để điều khiển quá trình truyền thông, làm cho quá trình truyền thông được liên tục từ nguồn đến đối tượng tiếp nhận và ngược lại. Nếu quá trình truyền thông không có phản hồi, thông tin chỉ được xem là một chiều và mang tính áp đặt.
Nhiễu (Noise) luôn tồn tại trong quá trình truyền thông. Nó là hiện tượng thông tin truyền đi bị ảnh hưởng bởi các điều kiện của tự nhiên và xã hội, phương tiện kỹ thuật… gây ra sự sai lệch hay kém chất lượng về nội dung thông tin cũng như tốc độ truyền tin.
Có thể nói, nhiễu là hiện tượng cần được xem xét, và được coi như một hiện tượng đặc biệt trong quá trình lựa chọn kênh để xây dựng nội dung thông điệp. Các dạng nhiễu có thể có như vật lý, cơ học, luân lý, tôn giáo, môi trường, cung độ, lứa tuổi, giới tính, ngôn ngữ, học vấn, dân tộc v.v… Mặt khác, nhiễu vẫn luôn được coi là quy luật của quá trình truyền thông, nếu biết xử lý nhiễu sẽ tăng thêm hiệu quả cho quá trình truyền thông.
Hy vọng với các thông tin này sẽ giúp người đọc có những định hướng chính xác cho các dự án Marketing của mình. Truyền thông là một nguồn tài nguyên lớn với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, việc lựa chọn ứng dụng nó là quyết định sáng suốt với nhiều cơ hội phát triển thương hiệu lâu dài. Để biết thêm đa dạng các kiến thức hay và bổ ích, hãy lựa chọn theo học ngành marketing thương mại tại Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC).
Xem thêm: Tìm hiểu về ngành marketing thương mại tại đây