Học sinh nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: ngành, nghề, trường và chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích, hứng thú của bản thân.
Chương trình Tư vấn hướng nghiệp – Tuyển sinh 2022 diễn ra sáng 15/5, với sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, hướng nghiệp nhằm giúp học sinh lớp 12 định hướng lựa chọn ngành, nghề, trường đào tạo phù hợp.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa, Các Khoa học giáo dục Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng ta không biết được tương lai 5-10 năm tới như thế nào. Nhiều nghề nghiệp có thể mất đi, bị thay thế bởi robot và không ít ngành nghề mới sẽ xuất hiện.
Học sinh cần đối diện và thích ứng với sự thay đổi bằng việc có kế hoạch, định hướng tương lai nghề nghiệp. Khi chọn trường, các em phải hướng tới thị trường lao động 5-7 năm tới.
PGS. TS Trần Thành Nam đưa ra năm nguyên tắc chọn nghề: Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích; Không chọn nghề không đủ điều kiện đáp ứng; Chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức…); Không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu; Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng.
Khi áp dụng các nguyên tắc này, học sinh cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng, thay vì theo cảm tính. Ngoài ra, để chọn đúng, các em cũng nên biết thị trường lao động đang cần những nhân lực có trình độ như thế nào.
“Thị trường chỉ cần khoảng 15,4% người có trình độ đại học trở lên nhưng thực tế ứng viên có trình độ này rất lớn – 66,9%, dẫn đến nhiều cử nhân không kiếm được việc làm phù hợp”, ông Nam phân tích.
Việt Nam hiện có khoảng 240 trường đại học, với 1,7 triệu sinh viên. Thống kê trong ba năm, từ 2019 đến 2020, cho thấy cả nước có trung bình 240.000 người tốt nghiệp đại học hàng năm. Đây là cơ cấu quan trọng trong nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia, theo ông Bùi Văn Linh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng Nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong năm 2020, 10 lĩnh vực, ngành đào tạo lớn có sinh viên tốt nghiệp từ 10.000 em trở lên, gồm Kinh doanh, Quản lý, Sức khỏe, Khoa học, Giáo dục, Đào tạo Giáo viên, Công nghệ, Kỹ thuật, Nhân văn, Pháp luật. Số sinh viên tốt nghiệp từ 10 ngành này là 204.562 em, chiếm 83,7 % số lượng tốt nghiệp.
Năm lĩnh vực có sinh viên tốt nghiệp ít nhất là Toán và Thống kê (593), Thú y (715), Dịch vụ vận tải (1.338), Dịch vụ Xã hội (1.600), Nghệ thuật (1.800).
Tiến sĩ Trần Đình Lý – Hiệu phó Đại học Nông Lâm TP HCM, cho rằng khi tư vấn cho học sinh, các thầy cô cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trả lời ba câu hỏi của vòng tròn hướng nghiệp: Bạn phù hợp với nghề nào; Học ngành gì để làm nghề đó; Chọn trường nào để học.
Ông Lý nhắc tới khái niệm hướng nghiệp trọn vẹn để quyết định ngành học, trường học, gồm các tiêu chí: hiểu bản thân (tính cách, học lực); hiểu việc làm phù hợp; hiểu ngành học phù hợp và hiểu trường học phù hợp.
Để hiểu bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, GS Nam cho rằng có thể sử dụng bộ công cụ chuẩn của các trường; hoặc các công cụ trắc nghiệm tâm lý như O*Net hay John Holland…
Trắc nghiệm Holland được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng. Lý thuyết này chia con người ra sáu loại cá tính gồm: Nhóm người nghệ thuật, nghiên cứu, kỹ thuật, xã hội, quản lý và nghiệp vụ. Họ đưa ra cơ sở để đối chiếu sở thích, năng lực tự nhiên của bản thân với yêu cầu của các nhóm ngành nghề, từ đó có thể định hướng nghề nghiệp theo nhóm ngành phù hợp nhất.
Các chuyên gia cho rằng, khi đã biết thiên hướng bản thân, chọn được ngành, học sinh mới bắt đầu chọn trường và cân nhắc các tiêu chí khác như mức độ uy tín, cơ sở vật chất, học phí, khu vực địa lý, điều kiện tuyển sinh và mô hình đào tạo của trường.
Nguồn: Vnexpress