Cách đây 77 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 2/9 được xem là một cột mốc chói lọi trong hành trình nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta.
Nội dung bài viết
Giá trị lịch sử của Bản Tuyên ngôn
Khi Bản Tuyên ngôn được đọc lên, đó chính là văn bản pháp lý khẳng định nước Việt Nam tự do độc lập với toàn thế giới. Ngoài ra vào ngày 2/9 thì các đồng bào trong nước, kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về Việt Nam.
Nhắc đến ngày lễ Quốc Khánh 2/9 trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Ngoài ra đây cũng là dịp để mọi người trên đất nước Việt Nam cùng nhớ tới những công lao hy sinh to lớn của các cha ông đi trước. Nhớ lại chặng đường lịch sử gian khổ và hào hùng, từ đó dân ta càng phải tiếp tục xây dựng và bảo vệ tổ quốc phát triển hơn nữa.
Ngày Quốc Khánh 2/9 như một mốc son chói lọi, như một “chứng nhân lịch sử” dù thời gian đã trôi qua nhưng những chiến tích vẻ vang của dân tộc vẫn còn mãi với thời gian, với bản tuyên ngôn bất hủ mà các thế hệ sẽ không thể nào quên.
Ngày Quốc Khánh mùng 2/9 không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn như lời nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay khi sinh ra trong hòa bình, không phải chứng kiến cảnh đất nước chia cắt, súng đạn và chiến tranh, phải luôn luôn học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, cũng như giáo dục lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của ông cha ta, đã kiên cường bất khuất đánh đuổi quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc.
Ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn Độc lập
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với tinh thần đó mà cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt hơn 70 năm qua.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, chúng ta cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập ,chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thời gian nghỉ lễ 2.9
Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, lịch nghỉ dịp 02/9 hằng năm được quy định như sau: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 02 ngày gồm ngày 02/9 Dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau ngày 02/9 này.
Căn cứ theo Thông báo số 5034/TB-LĐTBXH ngày 07/12/2022 về việc nghỉ Tết âm lịch và nghỉ Quốc khánh năm 2023 đối với Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội. Căn cứ vào kế hoạch học tập năm 2023-2024, trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC) thông báo lịch nghỉ Quốc Khánh 2.9 như sau:
Nghỉ liên tiếp 04 ngày từ thứ Sáu ngày 01/9/2023 đến hết thứ Hai ngày 04/9/2023 Dương lịch. Trong đó gồm 02 ngày nghỉ Quốc khánh là thứ Sáu và thứ Bảy (ngày 01/9 và ngày 02/9), 01 ngày nghỉ hằng tuần (Chủ nhật – ngày 03/9) và 01 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần (thứ Hai ngày 04/9).Chúc toàn thể quý phụ huynh và các em học sinh có kỳ nghỉ lễ an toàn, ý nghĩa, tràn đầy sức khỏe bên người thân và gia đình.