Kỳ thi năm 2022 chuẩn bị diễn ra trong bối cảnh những “lùm xùm” về bất thường trong đề thi môn sinh kỳ thi năm 2021 chưa có hồi kết khiến Bộ GD-ĐT nhiều lần nhấn mạnh tăng cường giám sát các khâu liên quan đến đề thi.
Sáng qua 8.6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2022 khi chỉ còn 1 tháng sẽ diễn ra kỳ thi này.
Đặc biệt chú trọng các khâu liên quan đề thi
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm đến khâu kiểm tra, giám sát, tăng cường các biện pháp kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các khâu liên quan đến đề thi, chấm thi và tất cả các vấn đề liên quan an toàn, bảo mật, trật tự của kỳ thi.
Liên quan đến việc chuẩn bị ra đề thi, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết Cục Quản lý chất lượng đã thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.
Sẽ chỉ tổ chức một đợt thi ?
Hai năm gần đây, Bộ GD-ĐT đều phải tổ chức 2 đợt thi tốt nghiệp THPT để ứng phó với dịch Covid-19. Bộ trưởng
Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn: “Dịch bệnh năm nay cũng đã được kiểm soát, chúng ta tổ chức một đợt thi trên cả nước”, tuy nhiên ông cũng lưu ý những ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Do vậy, dù Bộ đã có phương án tổ chức thi cho các đối tượng có liên quan đến dịch bệnh nhưng cũng phải lường trước và dự phòng những tình huống phát sinh, bất thường, đặc biệt là trong quá trình tổ chức thi.
“Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2019 – 2020, 2020 – 2021 và 2021 – 2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo ông Phong, Bộ đã rà soát, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi, lựa chọn câu hỏi đã có trong ngân hàng câu hỏi thi và bổ sung câu hỏi mới. Đến tháng 6, cơ bản bảo đảm cả về số lượng, chất lượng đề thi; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, nhất là khâu lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi.
Ông Phong cho biết trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia hội đồng ra đề thi.
Về đăng ký dự thi, ông Lê Mỹ Phong thông tin, đến 17 giờ ngày 5.6, các đơn vị đã hoàn thành việc duyệt phiếu đăng ký dự thi trên hệ thống với 1.002.486 phiếu.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Một trong những điểm mới đáng chú ý ở kỳ thi năm nay, Bộ yêu cầu mỗi điểm thi phải bố trí nơi bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh (TS) và các tài liệu, vật dụng bị cấm mang vào phòng thi cách biệt phòng thi tối thiểu 25 m.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng quy định nêu trên được Bộ đưa ra dựa trên khuyến cáo của ngành công an về việc thời gian gần đây đã phát hiện một số thiết bị thu phát từ khoảng cách tới 25 m. Do vậy Bộ yêu cầu các địa phương phải bố trí chỗ để vật dụng không được mang vào phòng thi của TS cách phòng thi tối thiểu 25 m, tránh trường hợp TS để thiết bị trong túi xách cá nhân ở ngoài cửa phòng thi nhưng vẫn có thể truyền phát thông tin liên quan đến đề thi, bài thi ra bên ngoài.
Xung quanh quy định này, tại hội nghị, giám đốc Sở GD-ĐT một loạt các địa phương, trong đó Hà Nội, TP.HCM… đều cho rằng đây là quy định khó thực hiện về điều kiện cơ sở vật chất của các điểm thi cũng như gây khó khăn cho việc đi lại, bảo quản vật dụng của TS…
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đề nghị Bộ cho phép các địa phương chủ động có giải pháp trong việc này, miễn sao vừa bảo đảm an toàn cao nhất, vừa không gây khó khăn cho việc di chuyển, cất giữ đồ đạc của TS ngoài phòng thi.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng các điểm thi ở khu vực nội thành có số lượng TS dự thi rất lớn, phụ huynh đưa đón con đi thi rất đông. Nếu tan thi mà TS phải di chuyển xa để lấy vật dụng cá nhân, trong đó có điện thoại liên lạc với gia đình thì sẽ gây ra những khó khăn ở trong và ngoài trường thi. Theo ông Hiếu, quan trọng là làm thế nào để ngăn chặn và phòng ngừa TS mang thiết bị vào điểm thi, vì “năm nay công nghệ cao có thể bắt sóng 25 m, sang năm nó lên tới 50 m thì chúng ta ứng phó thế nào?”, ông Hiếu đặt vấn đề.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), thông tin: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản giữ ổn định nhưng có nhiều điểm mới như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều khâu của kỳ thi. Điều này đòi hỏi cơ sở dữ liệu liên quan đến kỳ thi, đặc biệt là trên môi trường mạng cần được đảm bảo an toàn đồng bộ, đảm bảo không chỉ trong thời gian diễn ra kỳ thi mà tất cả các giai đoạn.
Xung quanh quy định này, thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết TS cố tình vi phạm thường sử dụng camera dạng cúc áo và điện thoại chính là thiết bị trung gian được sử dụng để đối tượng bên ngoài điều khiển, kết nối với TS thực hiện hành vi vi phạm. Qua rà soát trên thị trường, các thiết bị phát sóng cơ bản trong khoảng từ 20 – 25 m. “Nhưng công nghệ phát triển nhanh, khoảng cách này có thể xa hơn, nên chúng tôi khuyến nghị nơi bảo quản thiết bị của TS để càng xa càng tốt”, thiếu tướng Mạnh cho hay.
Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng khuyến nghị không nên cho TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát sóng vào phòng thi, vì trên thực tế việc giám thị phải đánh giá giữa thiết bị có chức năng phát sóng hay không phát sóng là rất khó. Ngoài ra, Bộ cũng cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trước kỳ thi, đặc biệt là việc nghiêm cấm TS sao chụp đề thi trong thời gian làm bài và gửi ra ngoài bởi đây là hành vi làm lộ bí mật nhà nước.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thủy, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an), cũng cho rằng để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng các đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ cao để phát tán đề thi ra bên ngoài, quy định để đồ dùng, vật dụng cá nhân của TS cách phòng thi 25 m là yêu cầu không nên thay đổi.
Có thể không bắt buộc thí sinh đeo khẩu trang trong phòng thi
Năm nay, tình hình dịch bệnh đã khác nhiều các năm trước, những biện pháp phòng ngừa Covid-19 cũng thay đổi rất lớn, do vậy lãnh đạo sở
GD-ĐT nhiều địa phương bày tỏ băn khoăn liệu có nên tiếp tục yêu cầu TS phải đeo khẩu trang trong quá trình làm bài thi như năm trước nữa hay không.
Một số ý kiến cho rằng nếu vẫn phải đeo khẩu trang trong phòng thi thì phải yêu cầu TS sử dụng khẩu trang được điểm thi trang bị sẵn để phòng ngừa việc gắn thiết bị gian lận trong khẩu trang, rất khó kiểm soát.
Về những băn khoăn này, ông Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng năm nay kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên các quy định về phòng chống dịch cũng sẽ được nới lỏng và thực hiện linh hoạt. Việc đeo khẩu trang trong phòng thi có thể được vận dụng linh hoạt, không yêu cầu TS đeo khẩu trang trong quá trình làm bài vì các em khi làm bài thi phải ngồi cách xa và không có sự giao tiếp. Riêng TS diện F0 thi ở phòng thi riêng và vẫn bắt buộc đeo khẩu trang, cán bộ coi thi ở phòng thi này nên mặc áo choàng phòng hộ.
Nguồn: Thanh Niên