Nguyễn Lê Thiên Nghi – hiện là sinh viên Trường ĐH RMIT, thí sinh nữ duy nhất giành điểm 10 môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái (2021) – chia sẻ những ngày cuối cùng là lúc để các bạn có thể “chiều chuộng” bản thân một chút sau khoảng thời gian đã căng thẳng ôn tập.
Tạo “không gian tích cực”
Nghi khuyên các thí sinh nên làm những gì mình thích, miễn là cảm thấy được thư giãn nhiều nhất. Có thể xem một tập phim hay, dạo quanh đâu đó gần nhà, hoặc ra quán nhấm nháp một ly sinh tố… Nói chuyện, tán gẫu với cha mẹ, bạn bè cũng là cách giúp các bạn giữ được sự thoải mái.
“Mình cho rằng yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để mỗi thí sinh có được kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp nằm ở tâm lý ổn định. Năm rồi, những ngày trước thi, mình luôn làm những việc giúp mình cảm thấy vui vẻ như nghe một số chuyện vui, xem một vài clip giải trí… Mình đem sự vui vẻ ấy vào phòng thi, xem kỳ thi cũng như một bài kiểm tra học kỳ. Có lẽ vì thoải mái mà mình làm bài được như ý” – Nghi nói.
Nguyễn Hữu Hưng – thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2020 – cho rằng khi chỉ còn vài ngày đến “trận chiến” quyết định, thí sinh nên cân nhắc “cai” mạng xã hội một thời gian – phương pháp chính mà Hưng đã áp dụng trong năm thi của mình. Hưng lý giải, càng sát giờ “G”, mạng xã hội như Facebook càng sục sôi: người bày tỏ nỗi lo lắng, người than chưa học bài, rồi người đoán đề này, người “tủ” bài kia…
“Chưa kể năm nay mình thấy cộng đồng mạng còn đang xôn xao nhiều hơn vì chuyện lùm xùm của các nghệ sĩ Việt. Nếu bị cuốn theo những câu chuyện cả liên quan và không liên quan tới thi cử, thí sinh rất dễ mất tập trung, đôi khi còn bị ảnh hưởng tới tinh thần làm bài” – Hưng nói.
Thay vì vậy, Hưng cho rằng mỗi thí sinh nên tự tạo một “không gian tích cực” cho mình. Không gian bao gồm những đầu việc hằng ngày luôn tỏa ra năng lượng tích cực mà các bạn có thể làm từ đây tới ngày thi. Chẳng hạn đọc một vài đoạn sách truyền cảm hứng, chơi một hai ván game nhỏ, đi gặp một số thầy cô và người thân nói về chuyện về những điều thú vị…
Thí sinh cũng có thể lên kế hoạch cho những việc sẽ làm sau khi thi: đi những đâu, chơi những gì, trải nghiệm thêm điều gì? Theo Hưng, những điều nho nhỏ như trên sẽ giúp các bạn thi cử với sự tích cực lớn nhất.
Không nên ôn tập cường độ cao
Thầy Ninh Văn Thường – tổ trưởng tổ vật lý, Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) – cho rằng trong tuần cuối cùng này học sinh không nên “cày” ôn tập cường độ cao. Thầy chia sẻ sát ngày thi như hiện nay, việc học những bài tập mới, bài tập khó chắc chắn sẽ không thể tiếp thu tốt. Nếu muốn ôn, như ở môn vật lý, chỉ nên dành một ít thời gian mỗi ngày để đọc qua một lần những phần lý thuyết. Nếu cảm thấy có thiếu sót ở những bài lý thuyết nào, hãy đọc thêm một lần nữa là được.
Cô Hồ Thị Mỹ Vân – tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường Trung học thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) – cũng cho rằng về mặt kiến thức, trong giai đoạn cận kề ngày thi, nếu ôn tập thì thí sinh chỉ nên xem lại những điểm kiến thức cơ bản với một trạng thái nhẹ nhàng và thoải mái. Cố gắng “nhét” thêm những câu hỏi khó, bạn rất dễ tự tạo ra áp lực không đáng có cho chính mình.
Thay vì kiến thức, cô Vân “mách nước” các thí sinh có thể chuẩn bị trước kỹ năng để vượt qua một số tình huống đầy thử thách trong phòng thi. Ví dụ, nếu gặp phải những câu hỏi cực khó thì bạn sẽ làm gì? Nếu nghĩ mãi không ra một đáp án, trong khi các thí sinh khác đã làm xong bài và cảm thấy bắt đầu sợ sợ, bạn sẽ xử lý ra sao? Nhiều bạn không phòng bị trước những cách ứng phó các tình huống trên nên đôi lúc lúng túng, thậm chí làm bài trong “hoảng loạn”.
“Nên học cách kiểm soát hơi thở khi gặp những trường hợp khó khăn trong phòng thi. Có thể nhắm mắt 10, 20 giây để giải tỏa áp lực rồi chuyển sang làm những câu khác, rồi trở lại suy nghĩ những câu thách thức ấy khi còn thời gian”, cô Vân nói.
“Ngoài ra nên tô câu trả lời trắc nghiệm thật kỹ lưỡng. Đã có trường hợp các bạn tô sai vị trí một ô, kéo theo sai luôn hàng loạt câu sau, gần hết giờ mới phát hiện nên phải xóa tất cả rồi tô trở lại”.
Nguồn: Tuổi Trẻ