Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là một kỳ thi quan trọng nhất trong đời mỗi học sinh, do đó ôn thi là điều không thể thiếu trong công tác chuẩn bị. Trong giai đoạn nước rút này, môn Văn sẽ khiến không ít các bạn học sinh lo lắng và lúng túng từ phương pháp học cho đến cách ôn thi. Vậy ôn thi như thế nào để có thể tự tin bước vào phòng thi? Những điều dưới đây không chỉ dành cho kỳ thi năm nay, mà chắc chắn sẽ còn có ích cho những năm tiếp theo, cùng theo dõi nhé.
Nội dung bài viết
Các giai đoạn ôn thi
Đối với môn Văn học, ôn tập là cả một quá trình dài chứ không phải chỉ học ngày một ngày hai mà có hiệu quả được. Làm gì cũng cần có lộ trình, mục tiêu cụ thể từ đó mới đưa ra được định hướng đúng đắn cho cả một quá trình. Có như vậy, thí sinh mới có thể đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có lộ trình cụ thể thì việc ôn tập sẽ trở lên dễ dàng hơn. Mỗi người sẽ lập ra cho mình một lộ trình riêng, dưới đây là lộ trình ôn tập được các bạn thủ khoa chia sẻ lại.
Giai đoạn 1 – ôn tập lại những kiến thức cơ bản: Để học tốt ở những phần kiến thức sâu rộng hơn thì việc đầu tiên bạn phải nắm được những kiến thức nền cơ bản trước, vì vậy ở giai đoạn này bạn cần dành nhiều thời gian để học lại từ những kiến thức cơ bản, hãy thực hiện điều này càng sớm càng tốt.
Giai đoạn 2 – ôn tập toàn diện: giai đoạn này thường sẽ rơi vào khoảng tháng 12/2022 đến tháng 4/ 2023. Lúc này bạn đã gần như hoàn thành hết chương trình 12, vì vậy hãy ôn lại toàn bộ kiến thức đã được học kết hợp với việc đọc, tham khảo thật nhiều sách để tăng thêm vốn từ và khả năng viết lách.
Giai đoạn 3 – tổng ôn tập kiến thức kết hợp luyện đề: đây là giai đoạn cuối cùng và thường rơi vào những tháng cuối trước khi thi. Thời điểm này hãy ôn lại kiến thức của cả chương trình lớp 10,11 và 12, nhưng chú trọng hơn ở lớp 12, vì các câu hỏi của lớp 10,11 chỉ chiếm một phần khá nhỏ trong đề thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó hãy kết hợp với việc luyện đề thi của các năm trước để hiểu rõ hơn về cấu trúc, từ đó rèn luyện kỹ năng và phân bố thời gian làm bài hợp lý.
Lộ trình ôn thi môn Ngữ Văn khoa học
Với mục tiêu 5-6 điểm: bạn hãy dành thời gian khoảng 2-4 tuần để đọc hiểu các văn bản trong SGK, từ đó biết được các phương thức biểu đạt, biện pháp lập luận, phong cách ngôn ngữ.. có trong câu/đoạn văn.
Với mục tiêu 7-8 điểm: phần nghị luận xã hội trong đề thi chiếm 2 điểm, nên phần nghị luận xã hội sẽ là giai đoạn ôn tập tiếp theo. Phần này có 2 dạng bài chính đó là nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một tư tưởng đạo lý, bạn nên dành thời gian khoảng 1 tháng cho việc ôn tập nó.
Với mục tiêu 9-10 điểm: với mục tiêu ở mức điểm này bạn cần dành nhiều thời gian cho việc ôn tập và luyện các đề thi tốt nghiệp THPT của các năm trước hoặc các đề thi thử của các trường khác. Với phần thơ, hãy tập trung ôn về những đặc điểm, phương pháp làm bài nghị luận văn học về bài thơ/đoạn thơ. Ôn tập hết những kiến thức liên quan đến tác giả, tác phẩm, đặc biệt là phần nội dung và nghệ thuật, đồng thời hãy nâng cao năng lực lí luận văn học của bản thân thông qua việc đọc nhiều sách báo, những bài lí luận, phê bình văn học… Đối với phần văn xuôi cần ôn tập về đặc điểm, phương pháp làm bài nghị luận về đoạn trích hay một tác phẩm văn xuôi. Cùng với đó hãy trang bị hệ thống dẫn chứng để phân tích, mở rộng nội dung của từng tác phẩm.
Kiến thức trọng tâm cần ôn tập
- Nhận diện các phong cách ngôn ngữ: Phong cách ngôn ngữ báo chí, khoa học, nghệ thuật, chính luận, hành chính, sinh hoạt,…
- Các phương thức biểu đạt gồm: miêu tả, biểu cảm, tự sự, nghị luận , hành chính- công vụ, thuyết minh. Lưu ý, trong một văn bản/ đoạn văn có thể sẽ có nhiều các phương thức biểu đạt, tuy nhiên sẽ có một phương thức nổi bật nhất.
- Các thao tác lập luận: Chứng minh, phân tích, bình luận, giải thích, so sánh, bác bỏ.
- Các biện pháp tu từ như: So sánh, hoán dụ, ẩn dụ, nói giảm/nói tránh , điệp từ, nhân hóa …
- Các phép liên kết như: Phép nối, thế, liên tưởng, lặp từ ngữ..
- Phân biệt các thể thơ: Các thể thơ Đường luật, thơ hiện đại, thơ dân tộc
- Đặt nhan đề và tìm câu chủ đề.
Phương pháp ôn thi hiệu quả
Học sinh có học lực ở mức trung bình khá- giỏi
Lập đề cương theo sát cấu trúc đề thi các năm trước: trong 3 năm học lượng kiến thức rất lớn nên bạn không thể nào ôn chi tiết toàn bộ được. Vì vậy hãy dựa vào bộ đề thi các năm trước để khoanh vùng kiến thức khiến việc ôn tập dễ dàng hơn.
Học cách lập dàn ý, tránh viết lan man: Lập dàn ý chính là cách để bạn xây dựng tư duy mạch lạc và đưa ra định hướng để viết bài rõ ràng hơn. Vì bài viết rất dài, thầy cô không có đủ thời gian để đọc hết từng câu từng chữ mà chỉ đọc những ý chính trong bài. Vì vậy, việc lập dàn ý giúp các bạn nắm bắt được nội dung, tránh thiếu ý trong quá trình viết bài.
Nêu ra quan điểm cá nhân vào bài viết: Quan điểm cá nhân là một phần rất quan trọng đối với bài văn Nghị luận, điều này sẽ là “điểm cộng” lớn cho bài thi tốt nghiệp THPT. Vì phần nghị luận xã hội thường là đề mở nên việc đưa quan điểm cá nhân vào làm bài văn phong phú và sáng tạo hơn. Để làm tốt được điều này các bạn cần phải thường xuyên cập nhật tin tức cũng như quan tâm đến các vấn đề xảy ra ở ngoài thực tế thông qua báo đài, mạng xã hội…
Nói không với học tủ: với bất kỳ môn học nào thì việc học tủ là vô cùng nguy hiểm, đây là một cách học rất chủ quan và sai lầm. Vì vậy hãy chuẩn bị đầy đủ kiến thức cho bản thân, đừng mong chờ việc học tủ sẽ hữu ích.
Rèn luyện kỹ năng viết lách: việc này sẽ giúp các bạn học được cách trình bày một bài văn, tăng khả năng viết lách và vốn từ của bạn để bài viết của bạn phong phú hơn.
Phân bố thời gian làm bài hợp lý: đây là một điều vô cùng quan trọng khi làm bài thi môn văn trong kì thi tốt nghiệp THPT. Biết cách phân bố thời gian hợp lý sẽ giúp cả bài thi sẽ trở nên suôn sẻ, từ đó sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. Nếu không, các bạn dễ sa đà vào việc viết ở một câu, hai câu còn lại thì không đủ thời gian để hoàn thành một cách hiệu quả nhất.
Dành cho học sinh mất gốc môn Văn (dưới mức trung bình)
Tạo niềm yêu thích với môn học: trong bất cứ một lĩnh vực hay một môn học nào để đạt được thành tích hay mục tiêu đề ra thì phải có niềm yêu thích với nó, đối với môn Văn cũng vậy. Khi bạn đọc một tác phẩm Văn học nào đó, hãy hóa thân mình vào chính những nhân vật trong tác phẩm, điều đó sẽ giúp bạn môn Văn trở lên thú vị và sinh động hơn, việc ôn thi cũng trở lên dễ dàng hơn.
Lập thời gian biểu hợp lý, lựa chọn không gian học thích hợp: Văn học không phải là môn học thuộc, mà nó cần có sự cảm nhận từ trong tâm hồn, vì vậy hãy lựa chọn thời gian, không gian học mà bạn cảm thấy thoải mái và có cảm hứng nhất. Điều này sẽ giúp bạn tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn.
Tích cực luyện đề để làm quen cấu trúc, hình thức ra đề đồng thời biết được điểm yếu, những phần thiếu hụt của bản thân để từ đó khắc phục và bổ sung thêm kiến thức.
Học cách lập dàn bài. Lập dàn bài là đưa ra các ý chính, và dựa trên các ý chính đó để triển khai các ý nhỏ hơn. Tạo thói quen lập dàn bài sẽ giúp bạn không bị viết lan man lạc đề, tránh thiếu sót các ý chính. Rèn luyện thói quen đọc sách, đọc báo, đọc văn mẫu…để tăng vốn từ vựng
Ngữ văn là một môn học quan trọng cho tất cả các bạn học sinh đang tiến tới cánh cửa đại học, và ngoài ra nó cũng rất có ích đối với công việc của bạn sau này. Chăm chỉ đọc sách, viết lách và hãy dùng chính những tác phẩm văn học này để giải trí điều này sẽ giúp bạn không cảm thấy nhàm chán khi ôn tập. Mong rằng những thông tin trên mà Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC) chia sẻ sẽ bổ ích cho các bạn đang ôn môn ngữ văn thi tốt nghiệp THPT quốc gia và những bạn muốn học tốt hơn về môn học này.