Thực hiện chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 15 năm ngày thành lập và phát triển; thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học công nghệ năm 2023; được sự đồng ý của các cơ quan quản lý, ngày 11/11/2023, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC) tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Đào tạo theo định hướng giáo dục mở tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hội trường FTC và bằng hình thức trực tuyến qua phần mềm Zoom Meeting và các nền tảng mạng xã hội nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi thảo luận, đề xuất ý tưởng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hội thảo với sự tham dự của:
– TS. Trần Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng GDNN, Tổng cục GDNN;
– ThS. Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ GDTX, Tổng cục GDNN, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– TS. Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội;
– ThS. Bùi Quốc Trình, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương;
– PGS. TS. Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện KHGD và QLKT;
– PGS. TS. Bùi Thế Dũng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam;
– PGS. TS. Trần Văn Quyết, Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ,TC Việt Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thái Nguyên;
Và hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và lãnh đạo các Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hải Dương …
ThS. Bùi Kiến Thiết báo cáo đề dẫn Hội thảo giúp đại biểu có cái nhìn bao quát về vấn đề giáo dục nghề nghiệp theo định hướng mở với các hướng nghiên cứu cơ bản về nguồn gốc, phương hướng áp dụng giáo dục mở vào giáo dục nghề nghiệp; các thành tố của quá trình đào tạo theo định hướng mở; các vấn đề quản lý chất lượng và hợp tác phát triển theo định hướng mở.
Hội thảo đã nhận được gần 100 bài tham luận khoa học của các cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, nhà giáo tại các viên nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp trong cả nước, và đã được phản biện bởi đội ngũ chuyên gia độc lập. Kết quả có 50 bài tham luận khoa học được lựa chọn để đưa vào kỷ yếu khoa học của Hội thảo.
Tại phiên toàn thể của Hội thảo được điều hành bởi PGS.TS Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường CĐ Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội và TS Nguyễn Văn Tuấn,Trưởng khoa Giáo dục đại cương với nội dung chính thảo luận những vấn đề chung về GDNN theo định hướng mở, đã có 04 báo cáo được lựa chọn trình bày tham luận gồm:
(1) Phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, liên thông của ThS Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục GDNN;
(2) Hệ thống GDNN mở trong kỷ nguyên số của PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện KHGD&QLKT;
(3) Khai triển tính mở trong GDNN của PGS.TS Bùi Thế Dũng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam;
(4) Giáo dục mở, GDNN: Một số vấn đề lý luận, thực tiễn quốc tế và những gợi mở cho Việt Nam của PGS. TS Đinh Công Tuấn, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội.
Sau khi kết thúc phiên toàn thể, Hội thảo tổ chức báo cáo tham luận và thảo thuận tại 02 tiểu ban. Tiểu ban 1 với các nội dung báo cáo, thảo luận về nguồn lực, các thành tố của đào tạo trong GDNN theo định hướng giáo dục mở được điều hành bởi GS.TS Trần Quốc Thành, Phó trưởng Khoa Du lịch và Thương mại, Giám đốc Trung tâm Tư vấn học đường và Hợp tác doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội và đã lựa chọn 05 báo cáo tham luận
Tiểu ban 2 với các nội dung báo cáo, thảo luận về quản lý chất lượng và hợp tác phát triển trong GDNN theo định hướng giáo dục mở được điều hành bởi PGS.TS Đinh Công Tuấn, Trưởng khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội và đã lựa chọn 04 báo cáo tham luận.
Hội thảo đã chỉ ra được những vấn đề về giáo dục nghề nghiệp theo định hướng mở chưa được giải quyết một cách thấu đáo, chẳng hạn như: gia tăng sự tiếp cận của giáo dục nghề nghiệp tới các nhóm có nhu cầu học tập đa dạng, các nhóm yếu thế; sử dụng và hiệu quả của tài nguyên giáo dục nghề nghiệp; hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp theo định hướng mở; quản trị giáo dục nghề nghiệp theo định hướng giáo dục mở, v.v… Với sự tích cực trao đổi, thảo luận và kết nối các bên, Hội thảo đã đóng góp nhiều sáng kiến, mô hình được chia sẻ để các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu, tham khảo, từ đó xúc tiến hợp tác, góp phần đạt thêm nhiều thành tích trong tiến trình triển khai giáo dục định hướng mở.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: