Lịch Sử Về Chữ Hán

Có bao giờ các bạn học tiếng Trung đặt ra câu hỏi “Lịch sử hình thành và phát triển của chữ Hán” như thế nào bao giờ chưa?
Lịch sử chữ Hán trải qua các hình dạng Chữ Giáp Cốt, chữ Kim, chữ Triện, chữ Lệ, chữ Khải và chữ Thư hiện nay. Bài viết này sẽ giúp bạn dễ dàng hiểu được về nguồn gốc hình thành chữ Hán.

1. Giáp cốt văn

Giáp cốt văn(甲骨文) nghĩa là chữ viết được khắc trên mai rùa và xương thú . Chữ viết này là thể chữ Hán cổ xưa nhất được tìm thấy cho đến ngày nay. Thời đại xuất hiện là thời kì Ân Thương.

Nội dung của chủ yếu của văn tự giáp cốt là nói về việc bói toán. Ngoài ra còn ghi chép về khí tượng, địa lí, thiên văn… phục vụ cho tầng lớp vua chúa.

2. Kim văn

Kim văn (金文) hay Chung Đỉnh văn (钟鼎文) được khắc trên đồ kim khí, cụ thể hơn là trên các chuông và vạc.

Bộ chữ này ra đời vào cuối đời nhà Thương, thịnh hành vào đời Tây Chu. Kim văn được chia làm 4 loại, dựa theo 4 thời kì phát triển:
– Ân kim văn (khoảng năm 1300-1046 trước công nguyên)
– Tây Chu kim văn (khoảng năm 1046-771 trước công nguyên)
– Đông Chu kim văn (năm 770-222 trước công nguyên)
– Tần Hán kim văn (năm 221-219 trước công nguyên)

3. Chữ Đại triện

Chữ Đại triện (大篆) thể chữ lưu hành thời Tây Chu (khoảng thế kỉ XI đến năm 771 TCN). Có người cho rằng đại triện bao gồm Kim Văn và Lựu Văn, lại có người cho rằng đại triện là Lựu Văn.

Đời Chu Tuyên Vương (828-782 TCN), Kim văn được giản hóa thành Lựu Văn, vì trong Sử Lựu Thiên (史籀篇) có ghi chép 223 chữ loại này. Tương truyền Lựu văn là do Thái Sử Lựu sáng tạo.

4. Tiểu triện

Tiểu triện (小篆) hay Tần triện (秦篆) là văn tự được nhà Tần thống nhất sử dụng sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc (221 TCN).

Do chữ triện cách viết phức tạp, hình chữ kì lạ, có thể tùy ý thêm nét cong, nên người ta thường dùng để khắc ấn triện, đề phòng giả mạo (vì thế mà được gọi là chữ triện).

5. Lệ thư

Lệ thư (隶书) (hay chữ Lệ) là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển chữ Hán. Nó đánh dấu chữ Hán hoàn toàn thoát khỏi hệ thống tượng hình, trở thành văn tự thực sự.

Chữ Lệ xuất hiện từ thời chiến quốc. Vì thế, người ta cho rằng, chữ Lệ (隶) ở đây là “lệ thuộc”. Chữ Lệ có thể chia làm 2 thời kì: Tần Lệ và Hán Lệ. Tần Lệ còn mang nhiều đặc điểm của chữ triện. còn Hán Lệ đã hoàn toàn thoát thai khỏi triện thư.

6. Khải thư

Khải thư (楷书) là bước phát triển hoàn thiện nhất của chữ Hán. Chữ Khải lưu truyền đến ngày nay, sau chữ Khải không còn thể chữ nào tiến bộ hơn nữa. Phần lớn chữ in ngày nay đều thuộc về chữ Khải.

Chữ Khải ra đời vào khoảng đời Hán, hoàn thiện vào đời Ngụy Tấn, phát triển rực rỡ vào đời Đường. Ngày nay, chữ Khải do tính chất quy chuẩn của nó, được sử dụng chính thức trong in ấn.

7. Thảo thư

Thảo thư (草书) – nói một cách đơn giản là chữ Hán được viết rất nhanh. Tuy nhiên, thảo thư không phải là viết tùy tiện mà có quy ước, quy luật riêng của mình.

Thảo thư ra đời khá sớm, từ đầu đời nhà Hán. Khi đó người ta dùng chữ Lệ, vì nhu cầu ghi chép nhanh nên người ta tìm cách tăng tốc độ viết, giản lược các nét bút, từ đó hình thành Thảo thư.

Sau này, khi chữ Khải ra đời, chữ Thảo lại diễn biến thành Kim thảo (今草). Kim Thảo có thể chia làm Tiểu thảo và Đại thảo

8. Hành thư

Hành thư (行书) là chữ khải viết nhanh, nhưng không đến mức như chữ Thảo. Vì viết tự do, nhanh chóng, không đến mức quá phóng túng, nên Hành thư là loại chữ được sử dụng phổ biến nhất trong quá trình viết tay.

Theo khảo cứu ngày nay, Hành thư ra đời gần như song song với chữ Khải. đạt đến trình độ cao nhất vào thời Ngụy Tấn với tác phẩm Lan Đình Tự (兰亭序) nổi tiếng của Vương Hi Chi (王羲之). Ngày nay, chữ Hành vẫn được sử dụng rất phổ biến do tính thực dụng cao của nó. Thư từ và các bản chép tay thường đều dùng chữ Hành để viết cả.