Món ăn cổ truyền trong mâm cơm ngày Tết Nguyên Đán

Trời đất giao hòa ngập tràn sắc xuân, trên mọi miền của dải đất hình chữ S từ thôn quê đến thành thị lại nhộn nhịp náo nức sắm sửa, chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền tươm tất, đầy đủ. Sẽ không trọn vẹn nếu ngày Tết thiếu đi mâm cơm đoàn viên. Hãy cùng Cao đẳng Ngoại ngữ  tìm hiểu những món ăn cổ truyền nhất định phải có trong mâm cơm ngày Tết.

Ngày Tết Việt Nam

Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn vô cùng ý nghĩa với người dân Việt Nam, là ngày để mọi con người đoàn tụ, sum họp bên gia đình, trở về quê hương và tưởng nhớ về tổ tiên. Bạn có từng thắc mắc sao không gọi là “Tết” không thôi mà còn thêm hai từ “Nguyên Đán” đằng sau. Thực chất hai chữ “Nguyên Đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm ý ở đây muốn chỉ đây là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, là sự bắt đầu của một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.

Với người dân Việt Nam, Tết có giá trị nhân văn sâu sắc, là nét đẹp trong văn hóa được lưu truyền qua hàng ngàn thế hệ. Tết Nguyên Đán là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp, với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc, với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh.

Tết - ngày lễ đặc biệt quan trọng trong năm
Tết – ngày lễ đặc biệt quan trọng trong năm

Người Việt ta có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, quê nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết” chính là một cuộc hành hương về với cội nguồn, về với nơi chôn rau cắt rốn. Ngày Tết đầu xuân là chính ngày đoàn tụ, đoàn viên của mọi nhà quây quần bên mâm cơm Tất niên ngày cuối năm, bên mâm cơm trong thời khắc Giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bên mâm cơm ngày đầu năm với những mong ước tốt lành.

Xem thêm: Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên Đán tại đây

Các món ăn cổ truyền trong mâm cơm ngày Tết Nguyên Đán

Người Việt luôn có truyền thống “uống nước nhớ nguồn’ nên mâm cỗ ngày Tết thường được chuẩn bị thịnh soạn để dâng lên ông bà tổ tiên, vừa để thể hiện lòng thành kính biết ơn vừa cầu mong một năm mới làm ăn phát tài phát lộc. Vì thế, dù ít nhiều gì thì mâm cỗ ngày Tết luôn được chăm chút trọn vẹn. Mâm cỗ đầy đủ, ấm cúng cũng là điều mà mọi gia đình mong muốn để cả gia đình quây quần sum họp ngày đầu năm. Dưới đây là 8 món ăn nhất định phải có trong mâm cơm ngày Tết.

Bánh chưng

Dân gian ta có câu:“Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ/ Cành mai vàng bên cành đào tươi”, từ lâu những hình ảnh đó từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi, đi vào trong tâm thức của người Việt khi Tết đến xuân về. Mỗi dịp Tết đến, nhà nhà lại tất bật chuẩn bị trang hoàng nhà cửa và cùng nhau quây quần gói bánh chưng xanh. Người thì chẻ lạt, người lau lá dong, người gói bánh, …ai nấy đều hân hoan vui mừng chào đón một năm mới sắp đến. Những đứa trẻ háo hức ngồi canh nồi bánh bên bếp lửa bập bùng với ông bà mong ngóng từng chiếc bánh nóng hổi ra lò.

Ngày nay, mọi người bận rộn với guồng quay công việc, xã hội hiện đại hơn trước, việc gói bánh cũng đòi hỏi khá nhiều thời gian và sự tỉ mỉ, vậy nên có rất nhiều gia đình không còn giữ thói quen gói bánh chưng ngày Tết mà sẽ đi mua bánh. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa đấy qua hàng bao thập kỷ vẫn vẹn nguyên trong tâm thức của người Việt.

Bánh chưng xanh - Món ăn không thể thiếu trong dịp Tết
Bánh chưng xanh – Món ăn không thể thiếu trong dịp Tết

Những chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé ấy không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh.

Chúng đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Nét độc đáo này đã góp phần làm đẹp hình ảnh Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Dù ai xa quê cũng mong được về nhà bên nồi bánh chưng mỗi dịp giao thừa đón năm mới.

Xem thêm: Tổng hợp các loại mứt không thể thiếu trong ngày Tết Tại đây

Gà luộc

Gà là loài vật mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp theo quan niệm của người xưa trong dân gian. Trong 12 con giáp, gà biểu tượng cho sự cương trực và mạnh mẽ. Còn trong văn học, gà được cho là loài sở hữu 5 đức tính lớn: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín. Theo kinh nghiệm dân gian, nhìn vào chân gà trong mâm cỗ cúng đầu năm có thể đoán trước điềm tốt xấu trong năm, từ đó rước tài lộc vào nhà.

Vậy nên, đây là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Để có được món gà luộc không bị vỡ nát hay sống, đạt độ chín tới vừa thơm ngon bạn cần lưu ý trong quá trình sơ chế gà xát muối hoặc chanh lên toàn thân gà để khử mùi hôi rồi rửa sạch lại bằng nước. Cho gà vào nồi to đổ nước ngập hết toàn bộ gà như vậy gà sẽ được chín đều từ trong ra ngoài mà không bị thâm đen trong quá trình luộc. Khi nước luộc đã sôi, hãy điều tiết lửa nhọ lại vì lửa to quá sẽ khiến phần da gà bị nứt ra như vậy sẽ không được đẹp mắt khi thắp hương. Đun nhỏ lửa tầm khoảng 7-10 phút rồi tắt bếp vớt gà ra đĩa để nguội.

Gà luộc vàng ươm, thơm phức được bày biện đẹp mắt
Gà luộc vàng ươm, thơm phức được bày biện đẹp mắt

Tùy vào từng gia đình có thể để nguyên con thắp hương hoặc chặt bày ra đĩa. Điều quan trọng để có đĩa thịt gà chặt ra đẹp mắt, miếng thịt không bị nát đó là bạn cần có một con dao chặt thịt to bản, thật sắc.

Tiếp đến, FTC sẽ giới thiệu cho bạn cách chặt gà chuẩn nhà hàng, Tết đến cứ áp dụng cách này ra mắt nhà người yêu thể hiện khiến cả họ trầm trồ. Dùng dao cắt đùi gà theo nách tiến tới lưng gà sao cho phần đùi của gà thành hình chữ nhật. Cánh cũng cắt theo nách mà hơi phạm vào ức một ít để cho phần cánh thêm ngon. Sau đó tiếp tục cắt cổ, bổ thận gà luộc làm đôi sau đó chặt từng miếng đã cắt ra. Muốn chặt thịt gà không bị nát thì khi bạn chặt gà nhớ là phải chặt dứt khoát và miếng thịt gà hình chữ nhật, hoặc hình bình hành là đẹp nhất.

Xôi

Người Việt ta vẫn quan niệm rằng ngày Tết thờ cúng những món có màu sắc rực rỡ sẽ mang đến sự may mắn, tốt lành. Bởi vậy, những món xôi đa dạng sắc màu như xanh, tím, vàng, đỏ, … thường xuất hiện vào mâm cơm tết niên hay mâm cỗ cúng gia tiên ngày đầu năm mới với mong ước sẽ có nhiều lộc, may mắn trong cả năm.

Ngày nay có đa dạng các loại xôi được lựa chọn bày biện trên mâm cơm cúng ngày Tết như xôi gấc, xôi đậu xanh, xôi tím, xôi ngũ sắc, xôi lạc, xôi dừa, ….nhưng xôi gấc vẫn là món xôi được người Việt lựa chọn nhiều nhất trở thành một món truyền thống trong mâm cỗ Tết Nguyên Đán tại Việt Nam.

Xôi gấc với màu đỏ đặc trưng của ngày Tết
Xôi gấc với màu đỏ đặc trưng của ngày Tết

Xôi gấc có vị dẻo thơm của những hạt lúa nếp, có màu đỏ tươi tắn, còn chứa đựng đủ vị bùi, béo, ngậy… rất đặc trưng từ quả gấc. Món xôi này không chỉ mang đến vị lạ, ngon trong ngày tết mà còn gửi gắm một giá trị tinh thần cho ngày tết truyền thống Việt Nam.

Xem thêm: Cách nấu xôi ngon dẻo tại nhà tại đây

Dưa hành

Mâm cơm ngày Tết của người Việt có rất nhiều món, cầu kì có, đơn giản có, từ cao lương mĩ vị đến những món vô cùng dân dã. Một trong những món dân dã nhưng lại có vị trí đặc biệt, ít khi thiếu, chính là món hành muối chua mà chúng ta vẫn gọi là dưa hành được cha ông ta đúc kết trong câu ca dao: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Trên mâm cỗ, đĩa dưa hành thật khiêm tốn trong góc mâm, có lẽ cũng vì là món ăn rẻ tiền, nhưng nó lại cầu kỳ và được chờ đợi nhất. Dưa hành không cần ăn nhiều, chỉ cần điểm xuyết nhưng nhờ nó mà người thưởng thức thấy ngon miệng trong suốt những ngày Tết.

Ngày Tết có rất nhiều món ăn ngon nhưng với sự góp mặt của món dưa hành mang vị chua và mặn của nó lan tỏa vào vị giác khiến bạn cảm thấy ngon miệng hơn, hỗ trợ tiêu hóa và giảm được độ ngán từ những món ăn giàu thịt mỡ đặc biệt là bánh chưng.

Hành muối món ăn dân dã, đậm chất thôn quê
Hành muối món ăn dân dã, đậm chất thôn quê

Hành muối ngon, đạt chuẩn phải chín mà không ủng nước, có màu trắng ngà, giòn không hăng, chua nhưng không gắt. Vị chua giòn thơm của dưa hành cùng miếng thịt mỡ béo ngậy đã đủ đánh thức vị giác, đánh thức không khí Tết đang về.

Nem rán

Nem rán là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ tết của người Việt, đặc biệt là người dân miền Bắc. Nhân nem là sự tổng hợp của thịt lợn băm nhuyễn, nấm hương, mộc nhĩ, miến, các loại rau thơm, củ quả (cà rốt, khoai tây, hành tây, ….) được gói bằng bánh đa nem mỏng dính, cuốn nhiều lớp tới lúc rán lên thì thấy giòn nhưng cắn lại mềm.

Nem nóng hồi thơm ngon, giòn rụm có vị bùi bùi
Nem nóng hồi thơm ngon, giòn rụm có vị bùi bùi

Để làm được những chiếc nem rán thơm ngon, giòn rụm bạn tiến hành theo các bước sau:

Chuẩn bị nguyên liệu làm nhân bánh: Thịt nạc vai rửa sạch, băm hoặc xay nhỏ. Mộc nhĩ ngâm nước cho nở mềm, sau đó rửa sạch, xắt nhỏ. Miến cũng ngâm sơ qua nước lạnh cho mềm, vớt ra để ráo, dùng kéo cắt khúc nhỏ. Cà rốt, khoai tây gọt vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng sau đó thái sợi. Hành lá cắt rễ, rửa sạch, xắt nhỏ.

Trộn đều các nguyên liệu trên vào tô lớn, nêm gia vị (mì chính, bột canh) vừa khẩu vị. Cho thêm trứng vào trộn đều.

Lấy gói bánh đa nem ra, đặt bánh đa nem lên mặt thớt sạch, cho một ít nhân đã trộn vào dàn trải nhân tạo hình nem,và bắt đầu cuốn nem

Cho dầu vào chảo đun nóng, dầu đã xôi thả nem vào rán. Canh lửa phù hợp tránh để nem không bị cháy. Nem vàng đều cả hai mặt là đã chín, gắp ra đĩa.

Giò lụa

Giò lụa là món ăn truyền thống của người Việt Nam đặc biệt vào những ngày lễ Tết, trong mâm cỗ không thể nào thiếu món ăn này. Giò được bó bằng lạt giang thật chặt với lớp lá chuối thật kín, bên ngoài được bọc thêm nilon để tránh nước trong nồi khi luộc giò thâm vào. Hiện nay có rất nhiều các cơ sở làm Giò lụa uy tín đảm bảo an toàn thực phẩm và độ thơm ngon của giò. Bạn chỉ cần đến các cơ sở đó mua và thưởng thức chúng vào dịp Tết. Khi mua giò bạn cần lưu ý giò lụa ngon là khoanh giò có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt mịn màng, không bị khô, cứng hay bã. Giò lụa ngon khi có mùi hương đặc trưng của thịt luộc và lá chuối tươi, ăn vào có vị ngọt đậm đà.

Giò lụa ngon có bề mặt mịn màng
Giò lụa ngon có bề mặt mịn màng

Trước đây, thời buổi kinh tế khó khăn, giò lụa chỉ được xuất hiện trong mâm cơm ngày Tết . Còn hiện nay, không chỉ ngày lễ tết, giò lụa trở nên khá phổ biến và được người dân Việt sử dụng cả vào những ngày bình thường như một món ăn quen thuộc trong các bữa cơm.

Miến nấu măng

Trong các món ngon ngày Tết Nguyên Đán miền Bắc, canh miến nấu măng hấp dẫn đến lạ kỳ. Vị béo ngậy của sườn, lòng gà hòa quyện cùng hương thơm bùi của măng tạo nên sức hút kỳ lạ cho món ăn này trong thời tiết se lạnh ngày Tết.

Miến nấu măng sườn được rất nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon và công dụng chống ngấy rất tốt của nó. Chuẩn bị một tô canh miến thơm ngon vừa tạo màu sắc cho mâm cơm ngày Tết thêm phần sung túc và ấm cúng vừa bổ dưỡng cho sức khỏe.

Tô miến măng nóng hồi thơm ngon đậm đà
Tô miến măng nóng hồi thơm ngon đậm đà

Ngày nay, do sự giao thoa về văn hóa, mâm cỗ Tết mỗi miền có thêm sự góp mặt của món ăn miền khác, tùy theo sở thích của gia đình. Vì vậy, món ăn trong ngày Tết Nguyên Đán ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và ngon miệng hơn. Bữa cơm ngày Tết là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người lại ôn chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới. Bởi thế mà, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt dù ở vùng nào, xứ nào thì mâm cơm ngày Tết Nguyên Đán luôn gắn kết tình thân và luôn mang ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi gia đình Việt.