Khi nhắc đến PGS.TS Phạm Văn Hoan – Trưởng khoa Công nghệ, các cán bộ, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, sinh viên của trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC ) đều có ấn tượng sâu sắc bởi sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề của Thầy.
Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội I năm 1980, thầy giáo trẻ Phạm Văn Hoan đã tình nguyện đăng ký lên công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (nay là Trường Đại học Tây Bắc), cống hiến sức trẻ, dành một phần thanh xuân của mình cho mảnh đất ấy. Tại đây, giảng viên trẻ Phạm Văn Hoan đã nhận được sự tin tưởng từ Ban lãnh đạo Nhà trường và các đồng nghiệp, trở thành Phó Bí thư Đoàn trường, Phó Trưởng khoa từ khi tuổi đời mới ngoài đôi mươi.
Sau 9 năm công tác tại Tây Bắc, thầy Phạm Văn Hoan được Bộ Giáo dục cho chuyển vùng về công tác tại quê hương Nam Định. Sau 6 năm công tác tại quê, thầy giáo dạy Chuyên Hóa tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định vẫn ấp ủ nguyện vọng được nghiên cứu khoa học. Năm 1995, thầy trúng tuyển Nghiên cứu sinh tại khoa Hóa học, trường ĐHSP Hà Nội. Năm 1999, thầy được giữ lại làm giảng viên tại khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tiếp tục tham gia giảng dạy và nghiên cứu. Với năng lực chuyên môn cùng sự tận tâm, nhiệt huyết, thầy cũng được tin tưởng giao phó giữ nhiều trọng trách như: Phó Giám đốc Trung tâm, Bí thư Chi bộ Trung tâm NC&SX Học liệu ĐHSP HN (2003-2005); Đảng ủy viên khoa Hóa học, Phó Chủ tịch Công đoàn khoa Hóa học, Bí thư Chi bộ Hữu cơ (2006 – 2007). Qua những thành tích nổi bật cùng chuyên môn vững, cuối năm 2007 thầy Phạm Văn Hoan được điều chuyển công tác về Bộ Giáo dục và Đào tạo và được phong hàm Phó Giáo sư năm 2010. Tại đây thầy đảm nhận các chức vụ Phó Trưởng phòng (2010) rồi Trưởng phòng Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (2012) – Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục, trước khi thầy trở về trường Đại học Thủ đô đảm nhận chức vụ Trưởng
khoa (2014) và Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (2015), Giảng viên Cao cấp (2016).
Dù ở cương vị nào và bận rộn đến mấy thì thầy Phạm Văn Hoan vẫn dành một phần đam mê, tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục. Đến nay thầy là tác giả hoặc là đồng tác giả của gần 80 bài báo được công bố trên tạp chí trong nước và quốc tế hoặc ấn phẩm Hội thảo, Hội nghị Khoa học cấp trường, cấp Quốc gia; 19 đầu sách chuyên khảo; hơn 20 công trình nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Quốc gia; thầy đã trực tiếp hướng dẫn và đồng hướng dẫn Luận văn, Luận án cho 22 Thạc sĩ, 4 Tiến sĩ.
Một số công trình nghiên cứu của thầy có thể kể đến như: “Some Imines and Azo Compounds Containing Furoxan Ring Synthesized from Methylisoeugenol” (Đồng tác giả, J. Heterocyclic Chem., 43, 1657, Sept. 2006); Cấu tạo, tính chất của một vài dẫn xuất dinitro của axit eugenoxiaxetic (Đồng tác giả, Tạp chí Hóa học, T 36, số 4, tr 28-31, 1998); Tổng hợp, cấu trúc của một số hợp chất chứa dị vòng 1,3,4-oxadiazole trên cơ sở eugenol (Đồng tác giả, Tạp chí Hóa học, T38, số 3, tr 26-31, 1999); “Synthesis and NMR spectroscopic characteristics of a series of hydrazide-hydrazones contaning furoxan ring derived from isoeugenoxyaxetic acid” ( Đồng tác giả, Journal of Heterocylic Chemistry. July 2012, V. 49, Issue 4; Pages 814–822); Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục (Đồng tác giả, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 28, tháng 10 năm 2022); Bàn về Xây dựng chương trình tập huấn nội bộ tại các doanh nghiệp logistics” (Kỉ yếu Hội thảo Quốc gia Logistics Đồng bằng sông Hồng –12/2023); .v.v..;
Tham gia Cải cách giáo dục chu kì 2005 – 2024, Thầy là đồng tác giả Sách giáo khoa Hóa học 11, Sách giáo khoa Hóa học 12, Sách Giáo viên Hóa học 11, 12 và nhiều sách tham khảo khác : Hướng dẫn làm bài tập Hóa học 10, Tuyển tập Bài tập Hóa học THPT, Sách Bài tập Hóa học 11, Sách Bài tập Hóa học 12; Các chủ đề cơ bản ôn thi vào đại học, cao đẳng;…
Với Cải cách Giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Thầy là Phó Chủ tịch Hội đồng cấp quốc gia thẩm định Sách giáo khoa Hóa học 11 THPT. Thầy tham gia viết Sách Bài tập Hóa học 11 (2023), Sách Bài tập Hóa học 12 (2024), sách Ôn luyện thi trắc nghiệm Trung học phổ thông (2024); Hướng dẫn Ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông – môn Hóa học (2024)- theo Cấu trúc đề thi năm 2025 của Bộ GDĐT.
Thầy cũng tham gia viết giáo trình phục vụ đào tạo đại học như Giáo trình tổng hợp Hữu cơ (2007), Giáo trình Hóa Dầu đại cương (2008), Bài tập Hóa học Hữu cơ dành cho sinh viên ngành Hóa học (2007),.v.v.. Thầy chủ trì và tham gia nhiều đề tài NCKH cấp Nhà nước và cấp Bộ như: Nghiên cứu tổng hợp, cấu trúc và tính chất một số dãy hợp chất chứa dị vòng oxadiazole và triazole trên cơ sở các hợp chất tách từ nguồn tinh dầu Việt Nam, Nghiên cứu chế tạo sơn lót từ polyme dẫn ứng dụng cho quốc phòng (2009-2010). Đề tài cấp Bộ, Nghiên cứu chế tạo nanocompozite từ polypyrole và ứng dụng trong sơn chống ăn mòn chất lượng cao (2009).
PGS.TS Phạm Văn Hoan còn tham gia các hội đồng Đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước; đánh giá các Luận án TS về Hóa học Hữu cơ, về Lí luận và PPGD Hóa học (ở phổ thông và đại học, cao đẳng); chủ trì nhiều đề tài NCKH cấp Bộ, cấp Nhà nước trong lĩnh vực Hóa học Hữu cơ, xử lí môi trường; khoa học Quản lí giáo dục.
Bằng những cống hiến, đóng góp, sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt thời gian công tác, PGS.TS Phạm Văn Hoan đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận và dành tặng nhiều giải thưởng xứng đáng. Những giải thưởng này là sự công nhận cho những đóng góp to lớn của thầy và còn là nguồn động viên tinh thần quan trọng cho tập thể giảng viên và sinh viên trong khoa như: Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học – Công nghệ, Bộ Khoa học, Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường tặng, Năm 2005; Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng, Năm 2005; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (03) các năm: 11/2011, 01/2014, 7/2014
Rời ngôi trường Đại học Thủ đô sau nhiều năm gắn bó, PGS.TS Phạm Văn Hoan chọn trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Từ tháng 01/2022, thầy đảm nhận chức vụ Trưởng khoa Công nghệ. Bằng kinh nghiệm làm quản lý nhiều năm tại các trường Đại học, Cao đẳng cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Phạm Văn Hoan đã dành những kinh nghiệm quý báu đó cùng rất nhiều tâm huyết để góp sức xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp của Khoa Công nghệ không những vững mạnh mà còn không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Khoa Công nghệ là một trong những đơn vị được thành lập sớm nhất và phát triển mạnh mẽ của FTC. Khoa không chỉ có chức năng nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành kỹ thuật và công nghệ theo hướng nghề nghiệp ứng dụng và các chuyên ngành khác theo phân công của Ban Giám hiệu Nhà trường mà còn có nhiệm vụ phân công và quản lý giảng dạy các môn học mà các giảng viên của Khoa đảm nhận cho các hệ đào tạo khác của Trường; liên kết, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực được phân công. Với chức năng, nhiệm vụ của khoa như trên, khối lượng công việc của người đứng đầu đơn vị là không hề nhỏ. Vậy nhưng ở tuổi “lục tuần”, các đồng nghiệp và sinh viên vẫn luôn thấy ở PGS.TS Phạm Văn Hoan nguồn năng lượng dồi dào. Với lòng yêu nghề và sự tận tâm, thầy không chỉ giám sát và đánh giá các chương trình đào tạo mà còn dành nhiều thời gian để lắng nghe phản hồi từ sinh viên và cán bộ, giảng viên, từ đó đề xuất những giải pháp hiệu quả nhất nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học.
Sự tâm huyết của PGS.TS Phạm Văn Hoan để lại những ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp và sinh viên, học viên. Sự nghiêm túc, nhiệt tình, tận tâm của thầy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cán bộ, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, học trò FTC nói chung và Khoa Công nghệ nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của PGS.TS Phạm Văn Hoan, giảng viên Khoa Công nghệ luôn được hỗ trợ và phát triển toàn diện, sinh viên có môi trường học tập ngày càng tốt hơn. Tất cả những điều đó là kết quả của sự cống hiến không mệt mỏi và tình yêu sâu sắc với nghề giáo của PGS.TS Phạm Văn Hoan. Chính sự tâm huyết và nhiệt tình ấy đã và đang tạo nên những giá trị bền vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà cũng như sự phát triển của ngôi trường FTC./.