Trung Quốc là quốc gia có nền văn hóa từ ngàn đời, là cái nôi của truyền thống xa xưa và có tác động đến văn hóa tín ngưỡng của nhiều quốc gia. Hãy cùng Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC) tìm hiểu về các ngày lễ lớn tại Trung Hoa qua bài viết dưới đây
Nội dung bài viết
Tết Nguyên Đán
Không chỉ ở Việt Nam, Tết Nguyên Đán còn là ngày lễ lớn ở Trung Quốc còn lưu giữ khá nhiều phong tục truyền thống và ý nghĩa. Cũng tương tự như nước ta, Tết Nguyên Đán diễn ra chính thức vào mùng 1 tháng 1 âm lịch hàng năm thường kéo dài 8 – 10 ngày trước, trong và sau lễ.
Tết Nguyên đán còn được gọi là Xuân Tiết, đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu mùa xuân mới. Thời điểm giao mùa này khác với cách tính của phương Tây vì nó được tính theo lịch âm. Tết Nguyên Đán có nhiều hoạt động truyền thống như múa lân sư rồng, pháo hoa, sum họp gia đình, bày cỗ cúng tổ tiên, thăm viếng gia đình và đi chúc Tết bạn bè, tặng phong bao lì xì đỏ và trang trí nhà cửa bằng câu đối (đối liễn).
Tết Nguyên Tiêu
Ở Trung Quốc, Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng, đêm rằm đầu tiên của năm mới) được coi là ngày lễ lớn và thiêng liêng nhất đầu năm mới. Sau Tết Nguyên tiêu, những điều kiêng kỵ trong năm mới không còn hiệu lực, và tất cả các đồ trang trí trong ngày Tết đều được gỡ bỏ.
Rằm tháng Giêng cũng là đêm trăng tròn đầu tiên trong năm, đánh dấu sự trở lại của mùa xuân và tượng trưng cho sự đoàn tụ của gia đình. Đó là lý do khiến bánh trôi trở thành món ăn đặc trưng cho ngày này.
Mỗi vùng miền của Trung Quốc sẽ có cách đón tết Nguyên tiêu khác biệt theo từng vùng, nhưng các hoạt động quan trọng và phổ biến nhất thường là thắp và thưởng ngoạn đèn – gồm đèn lồng, đèn trời, đèn hoa đăng; đốt pháo hoa; đoán câu đố viết trên đèn lồng; múa lân; múa rồng; đi cà kheo; ăn “thang viên” (bánh trôi).
Tết Thanh minh
Thanh minh là 1 trong 24 tiết khí, thường diễn ra khoảng trước hoặc sau ngày 5/4 dương lịch, sau Đông Chí 108 ngày. Tết Thanh minh còn được biết đến là lễ tảo mộ. Tảo mộ là hoạt động chính trong ngày Tết Thanh minh. Con cháu thường tề tựu đông đủ, quét dọn sạch sẽ mộ phần ông bà tổ tiên, những người thân yêu đã khuất. Sau khi hoàn tất các thủ tục sửa sang, quét dọn sạch sẽ, con cháu bày thức ăn, hoa quả ra cúng những người đã khuất, thắp hương, đốt tiền vàng để tưởng nhớ tổ tiên.
Bên cạnh đó, nhiều người Trung Quốc còn lưu truyền tập tục trồng cây lấy lộc. Bởi Thanh minh là thời điểm tiết trời thuận lợi có mưa xuân tạo điều kiện giúp cỏ cây sinh sôi mãnh liệt.
Ngoài các hoạt động chính, người dân còn tham gia ngày hội du xuân và tổ chức các hoạt động văn hóa kết nối tình yêu thương con người vào ngày lễ lớn này. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong ngày này, như đá cầu, đá banh da, đánh đu, kéo co, chọi gà,…
Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Đoan Ngọ có nghĩa là bắt đầu giữa trưa, còn “dương” là mặt trời, là khí dương. Đây là một trong những lễ hội lâu đời ở Trung Quốc. Vào ngày này, người Trung Quốc thường được nghỉ 3 ngày để đón lễ.
Có rất nhiều hoạt động truyền thống diễn ra trong ngày Tết Đoan Ngọ như buộc dây ngũ sắc, treo cây ngải cứu và đua thuyền rồng. Zongzi – bánh ú gạo nếp nhân thịt và trứng – là đặc sản của ngày Tết Đoan Ngọ Trung Quốc, có tuổi đời hơn 1.600 năm.
Lễ Thất tịch
Thất tịch còn được xem là ngày lễ tình nhân Trung Quốc, ấn định diễn ra vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch, vì theo truyền thuyết, đây là ngày duy nhất trong năm mà chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ được gặp nhau trên dải Ngân Hà.
Lễ Thất tịch có nguồn gốc từ thời Đông Chu và được duy trì qua các triều đại sau đó. Các hoạt động chính của lễ thất tịch bao gồm cúng sao Chức Nữ, xem sao Ngưu Lang và Chức Nữ, cầu mong sự thông minh và tài năng, cầu mong những điều tốt đẹp trong nhân duyên. Đậu đỏ là món ăn phổ biến trong ngày lễ lớn này vì người Trung Quốc quan niệm rằng ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch, người có tình thì tình thêm bền chặt, người chưa có sẽ sớm nên duyên.
Tết Trung thu
Tết Trung thu là một trong 3 lễ hội lớn ở Trung Quốc, diễn ra và rằm tháng 8 âm lịch. Đây là ngày lễ truyền thống bắt nguồn từ việc thờ cúng thần mặt trăng tượng trưng cho mùa gặt bội thu và gia đình đoàn viên, sum họp. Do đó, vào ngày này, mọi người trong gia đình thường sẽ quây quần bên nhau, cùng chia sẻ món bánh Trung thu đặc trưng. Do ảnh hưởng từ 1000 năm Bắc thuộc và ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Trung Quốc, tết Trung thu tại Việt Nam cũng trở thành ngày lễ lớn.
Lễ Quốc khánh
Lễ Quốc khánh Trung Quốc là ngày kỷ niệm sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, được kỷ niệm hàng năm vào ngày 01/10. Ngày này ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao được quy định là ngày lễ pháp định hoặc là ngày nghỉ của công chúng.
Người dân Trung Quốc tổ chức các hoạt động truyền thống trong ngày Lễ Quốc khánh, gồm lễ kéo cờ Tổ quốc, diễu binh và diễu hành diễn ra ở Quảng trường Thiên An Môn hoặc các thành phố khác; treo đèn lồng và cờ trên đường phố; bắn pháo hoa nghệ thuật,…
Tết Trùng Cửu
“Cửu” là 9, “Trùng Cửu” là sự lặp lại của số 9, ấn định vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch theo đúng tên gọi. Theo quan niệm người dân Trung Quốc, số 9 được quy định là số dương, vì vậy mà Trùng Cửu còn được gọi với tên khác là Trùng Dương. Đây còn là ngày lễ lớn để tri ân những người cao tuổi.
Vào ngày Tết này, mọi người ăn mừng bằng cách leo núi, uống trà hoa cúc và ăn bánh Chongyang (Trùng Dương) – một loại bánh chín lớp với hy vọng có thể giúp xua đuổi tà ma, phòng tránh tai họa.
Lễ Đông Chí
Nếu một năm ở thời hiện đại được chia thành 4 mùa với 12 tháng, thì Trung Quốc cổ đại lại chia thành 24 tiết khí, mỗi tiết khí kéo dài 15 ngày. Mùa đông có 5 tiết khí là Tiểu tiết, Đại tiết, Đông chí, Tiểu hàn và Đại hàn, thể hiện các tiết khác nhau trong mùa đông. Đông Chí được hiểu là ngày giữa mùa đông, ngày lễ lớn này thường diễn ra vào tháng 11,12 dương lịch. Chữ “Chí” mang nghĩa là “điểm cùng cực”, ý chỉ mặt trời sẽ nằm ở điểm cao nhất.
Từ ý niệm về ngũ hành âm dương, tiết Đông Chí chỉ về sự then chốt trong việc chuyển hóa giữa âm và dương, báo hiệu một chu kỳ năm sắp kết thúc. Từ sau tiết Đông Chí, bầu trời bắt đầu đẹp hơn, cũng là quãng thời gian đại cát, đại lợi để làm nhiều việc hỷ sự.
Trong ngày Đông Chí, người Trung Quốc thường ăn chè trôi nước để mong cầu sự đoàn viên, sum họp những ngày cuối năm; uống rượu đông chí và ăn sủi cảo – món ăn hình bao tiền vàng, có ý nghĩa mang lại tài lộc và may mắn.