Cơ hội mở cửa của ngành du lịch Việt Nam sau dịch

Diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế – xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt kết quả tích cực, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, các hoạt động thích ứng với trạng thái “bình thường mới” đã và đang được triển khai một cách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế nhanh chóng hồi phục.

Tuy nhiên, những khó khăn đối với ngành Du lịch còn rất nặng nề, nhiều “điểm nghẽn” cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự chung tay của cộng đồng để tháo gỡ, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Dự đoán những xu hướng du lịch sau đại dịch

Năm 2021, với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước đã khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn tỉnh, thành trong cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người, những xu hướng du lịch sau đại dịch có thể được dự đoán như xu hướng du lịch đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; Xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý đảm bảo an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; Xu hướng du lịch theo những nhóm nhỏ; Xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; Xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực.

Để kịp thời nắm bắt xu thế và thích ứng linh hoạt, một số vấn đề đặt ra để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới được xác định, cụ thể như vấn đề kiểm soát dịch bệnh; Vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp khi trải qua liên tiếp các đợt dịch kéo dài; vấn đề nhân lực du lịch; Vấn đề xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách; Vấn đề chất lượng sản phẩm, là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế sau đại dịch.

Du lịch thích ứng an toàn với dịch ngoài vacxin cần xúc tiến quảng bá điểm đến
Du lịch thích ứng an toàn với dịch ngoài vacxin cần xúc tiến quảng bá điểm đến

Nhà nước xem xét ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên, theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực…), cho phép thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững…; Đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch.

Mở cửa thận trọng, an toàn nhưng không cản trở thuận lợi của khách

Để thích ứng với điều kiện bình thường mới sau khi mở cửa, các doanh nghiệp du lịch cũng thống nhất cho rằng, không thể mở cửa tự do mà phải mở cửa thận trọng, an toàn nhưng không cản trở thuận lợi của khách.

Cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch như các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn… sẵn sàng áp dụng điều kiện an toàn. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng cần có sản phẩm du lịch an toàn. “Với du lịch nội địa sẽ có biện pháp thế nào, với du lịch liên vùng, liên tỉnh sẽ cần có biện pháp ra sao? Chúng ta phải có kịch bản riêng để bảo đảm an toàn về mặt thị trường, vì vậy sẽ nối chính xác điểm đến, tạo điểm đến, tạo sản phẩm, tạo kết nối đúng nhu cầu của du khách”.

Về chính sách vĩ mô, cần sự thống nhất, đồng bộ trong cả nước. Đó là điều kiện tiên quyết để du lịch phục hồi bởi nếu không có những giải pháp tổng thể thì rõ ràng, việc triển khai sẽ gặp khó khăn. Trong Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ vừa mới ban hành cũng có đề cập đến vaccine là điều kiện tiên quyết, là điều kiện rất quan trọng để người dân và du khách thấy được sự an toàn và bình an của khu vực.

Phú Quốc đón đoàn khách quốc tế đầu tiên theo chương trình "hộ chiếu vaccine"
Phú Quốc đón đoàn khách quốc tế đầu tiên theo chương trình “hộ chiếu vaccine”

Các địa phương đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị đón khách trong điều kiện bình thường mới cũng chú trọng đến yếu tố thận trọng, an toàn. Bộ tiêu chí gồm 3 lĩnh vực như: Đối với cơ sở lưu trú; đối với doanh nghiệp lữ hành, đối với các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Nội dung của Bộ tiêu chí bao gồm các tiêu chí đối với khách du lịch, đối với việc di chuyển, lưu trú, tham quan tại các điểm tham quan nhằm bảo đảm an toàn du khách.

Qua đó, yếu tố an toàn trong du lịch là vấn đề quan trọng nhất hiện nay, vì hành khách sẽ chỉ đi du lịch trong một điều kiện được bảo đảm an toàn. Khái niệm an toàn cũng cần được hiểu một cách linh hoạt và phù hợp với thực tế. Đó là lý do ngành du lịch đã đưa ra 4 tiêu chí cho sự an toàn: Vaccine, 5K, công nghệ và truyền thông, những tiêu chí này tương đối phù hợp với tình hình hiện nay.