Cố nhồi nhét hoặc học vẹt nhưng không nhớ được kiến thức, Hà My sau đó áp dụng hai kỹ thuật học giúp cô “dễ thở” hơn ở Cambridge.
Phạm Hà My hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ hai ở Đại học Cambridge, Anh. Hoàn thành bậc thạc sĩ tại trường này hồi tháng 1/2019, My tiếp tục giành học bổng tiến sĩ vài tháng sau đó.
Trước khi sang Anh, My học ngành Công nghệ sinh học và làm việc trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Khi học lên cao hơn, ngoài yêu cầu làm thí nghiệm, cô phải phân tích, xử lý nhiều số liệu và đọc khối lượng tài liệu đồ sộ.
Ban đầu, My học rập khuôn, cố nhồi nhét hoặc học vẹt nhưng không hiệu quả. My sau đó biết tới và sử dụng phương pháp Feynman khi bắt đầu chương trình thạc sĩ. Kỹ thuật Feynman (được đúc kết bởi nhà Nobel Vật lý Richard Feynman) gồm bốn bước, giúp người học đánh giá mức độ hiểu và ghi nhớ những gì đã đọc, học bằng cách chọn lọc, sắp xếp và diễn đạt thông tin bằng ngôn ngữ của riêng bạn.
Bước 1: Xác định chủ đề bạn muốn ghi nhớ
Sau khi đọc một bài báo, một cuốn sách hay học kiến thức mới, My viết lại tiêu đề và tóm tắt ra một trang giấy. My không liệt kê các đề mục, mà lựa chọn một vài thông tin cụ thể, có thể là một câu nói/chi tiết em thích sau khi đọc xong cuốn sách, hoặc tên của một phương pháp nghiên cứu mới.
Bước 2: Giải thích lại nội dung theo ngôn ngữ đơn giản
Để giải thích một ý tưởng cho một đứa trẻ hoặc người không cùng chuyên ngành đòi hỏi bạn phải hiểu rõ vấn đề và có thể đơn giản hoá các khái niệm. Khi tự giải thích bằng ngôn ngữ của mình, My nhớ lâu hơn là thuộc lòng ngôn ngữ của người khác.
Nghiên cứu sinh 29 tuổi thường tự giới hạn 3-5 phút cho mỗi phần giải thích, tự nói cho mình nghe hoặc vẽ sơ đồ ra giấy để trả lời các câu hỏi “kiến thức này là gì, áp dụng như thế nào, trong trường hợp nào và tại sao?”.
Bước 3: Xác định lỗ hổng kiến thức và tự củng cố
“Trong lúc giải thích cho người khác, nếu bạn vẫn ngắc ngứ hoặc khi bạn bè đặt câu hỏi nhưng bạn chưa có câu trả lời, tức là còn lỗ hổng. Lúc này, bạn cần đọc lại một phần cuốn sách hay bài báo, thậm chí tìm kiếm các kiến thức bổ sung”, My nói.
Sau khi đã tìm ra câu trả lời, My sẽ trao đổi lại với bạn như một cách tiếp nối câu chuyện và tăng kết nối bạn bè. Ở trường My, mọi người thích trao đổi nên cô cũng có cơ hội giải thích lại kiến thức của mình cho họ và lắng nghe họ nói về lĩnh vực mình chưa biết theo ngôn ngữ dễ hiểu hơn.
Bước 4: Hoàn thiện và biến thành kiến thức của mình
My khuyên lặp lại bước ba vài lần cho tới khi giải thích được một chủ đề/ khái niệm trơn tru theo ngôn ngữ của chính mình.
My từng nghĩ học ở Cambridge căng thẳng nhưng sau ba năm ở đây, cô yêu thích môi trường học vì nó thúc đẩy tính tự học cao. Tại đây, sinh viên không bị ép học nhưng việc được trao đổi kiến thức với bạn bè, thầy cô, đã thúc đẩy động lực học của sinh viên.
“Áp lực là khó tránh khỏi nhưng trong một buổi thảo luận, ai cũng muốn có kiến thức gì đó để đóng góp vào cuộc hội thoại. Do đó, tôi được thúc đẩy phải đọc nhiều, lắng nghe nhiều và chia sẻ kiến thức nhiều hơn”, My nói.
Theo My, sinh viên Cambridge “học hết sức, chơi hết mình”, luôn tìm phương thức học hiệu quả, ít tốn thời gian thay vì học 8 tiếng một ngày.
Năm 2021, My gặp vấn đề về tâm lý và cảm thấy không thể tập trung làm việc gì quá 30 phút. Tình trạng này kéo dài khiến hiệu quả học tập và làm việc của cô không cao.
My sau đó áp dụng phương pháp Deep Work (làm việc sâu) dựa trên cuốn sách của Cal Newprot và thấy tình hình cải thiện. Deep Work là trạng thái làm việc chuyên nghiệp đòi hỏi tập trung cao độ, hạn chế tối đa sự phân tâm để khả năng nhận thức đạt tới cực hạn. Ngược lại với Deep Work và Shallow Work (làm việc nông) liên quan tới các công việc có tính lặp đi lặp lại.
Bước 1: Xác định mục đích của Deep Work
Với My, đó có thể là hoàn thành bản báo cáo 5.000 từ, đọc và tổng kết một số bài báo chuyên ngành.
Bước 2: Lên lịch cho sự phiền nhiễu
Trước đây, My thường khoá Facebook, xoá các ứng dụng trong điện thoại, tắt thông báo tin nhắn, email cả tuần. My có thêm thời gian làm nhiều việc nhưng một phần tâm trí vẫn khao khát được xem chúng. Cô thay đổi chiến lược và lên lịch cho những điều phiền toái kia như một phần thưởng sau khi đã học tốt.
“Ví dụ, tôi viết ra một tờ giấy ghi chú: ‘Được xem điện thoại sau hai giờ nữa’ để thoả hiệp với não của mình, thay vì cấm đoán điều nó muốn. Tôi tập cho não suy nghĩ rằng ngồi vào bàn là phải học, ra khỏi đó sẽ làm việc khác chứ không bị lẫn lộn giữa hai luồng suy nghĩ”, My nói.
Bước 3: Xây dựng nghi thức Deep Work
Bạn cần một góc học tập và làm việc gọn gàng, đủ ánh sáng, yên tĩnh (có thể bật nhạc nền du dương), một tách trà, cà phê, nước (nhưng không đồ ăn vặt), cất tạm điện thoại, sách truyện ra một góc xa. Chọn khung giờ bạn tỉnh táo nhất để làm những việc quan trọng. Với My, khung giờ đó là 16h-18h hoặc từ 21h tới 1h.
Thông thường, bạn cần 20-30 phút để nhận thức đạt tới trạng thái dòng chảy, thực sự chú tâm làm một việc gì đó. Sau đó, hiệu suất 100% của Deep Work có thể kéo dài 1-4 tiếng, tuỳ vào mức độ luyện tập của từng người. Từ đó, bạn có thể sắp xếp công việc với khung thời gian phù hợp.
Bước 4: Chế độ tắt nguồn
Việc lên danh sách công việc cho từng ngày là quan trọng và hữu ích. Tuy nhiên, cũng có ngày vì một lý do nào đó mà kế hoạch của bạn không thể hoàn thành.
“Tôi đang tập ưu tiên sức khoẻ bản thân, không kiểm tra email sau 23h để tránh có thêm việc nảy sinh. Đọc một mẩu thông tin vài lần mà không đọng lại chữ nào, tôi sẽ lên giường đi ngủ”, My nói.
My cho biết, hai phương pháp trên không chỉ được cô áp dụng thường xuyên trong lĩnh vực nghiên cứu, mà còn trong cuộc sống hàng ngày.