Thương mại điện tử phát triển tạo nên xu hướng tiêu dùng mới song song với xu hướng tiêu dùng truyền thống của người Việt. Mỗi một hình thức mua sắm trực tuyến hay trực tiếp đều có những mặt tích cực và tiêu cực riêng. Vậy nên, để đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm và trải nghiệm sản phẩm của người tiêu dùng, mô hình O2O ra đời được áp dụng rất hiệu quả ở các nước phát triển. Vậy với đặc điểm tiêu dùng của người Việt, mô hình này có thực sự phù hợp? Cùng Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội tìm hiểu nhé.
Nội dung bài viết
O2O là gì?
O2O (Online – To – Offline) là mô hình kinh doanh doanh nghiệp thu hút khách hàng tiềm năng từ các kênh trực tuyến đến cửa hàng thực tế. Hiểu chi tiết hơn đó chính là việc tiếp cận khách hàng thông qua các hoạt động marketing online nhằm cung cấp thông tin và tác động đến hành vi mua của khách hàng sau đó lôi kéo họ rời khỏi không gian trực tuyến để đến mua sắm tại các cửa hàng thông qua việc tặng thêm quà, giảm giá sâu hơn, tích điểm tích lũy, …..
Hình thức O2O ra đời trong bối cảnh e-commerce phát triển mạnh mẽ tác động người dùng chuyển dần từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến thông qua website, mạng xã hội, các sàn thương mại, …. Việc này dẫn tới các nhà bán lẻ rất khó để cạnh tranh với các công ty thương mại điện tử.
Việc kinh doanh online dễ dàng hơn và tiết kiệm hơn rất nhiều thông qua hệ thống gian hàng ảo còn với các cửa hàng thực tế đòi hỏi chi phí thuê mướn mặt bằng cố định rất cao và chi phí nhân công để điều hành các cửa hàng đó. Đặc biệt, hàng hóa sẽ không thể đa dạng bằng các gian hàng ảo trực tuyến bởi chi phí nhập hàng cao và không gian cửa hàng thường khá bé.
Để khắc phục và giải quyết khó khăn đối với nhà kinh doanh trực tiếp, mô hình O2O tạo ra nhận thức về các sản phẩm dịch vụ trên kênh trực tuyến để họ nghiên cứu về sản phẩm sau đó sẽ đến mua tại cửa hàng thực tế. Việc áp dụng linh hoạt và kết hợp giữa hai mô hình kinh doanh online và offline giúp đẩy mạnh hoạt động bán hàng, mang đến hiệu quả kép cho doanh nghiệp đồng thời mang lại giá trị cho khách hàng:
Giá trị mang lại cho khách hàng: cung cấp dịch vụ gia tăng điểm tích lũy, tặng quà giá trị, giảm giá sâu, dùng thử sản phẩm, … cho khách hàng tới cửa hàng. Ngoài ra, đem đến cho khách hàng sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, tăng trải nghiệm thông qua việc được tư vấn, giải đáp chi tiết hơn.
Cơ cấu lợi nhuận: lợi nhuận thu được từ lượng khách hàng lớn, tăng khách hàng cho các cửa hàng và tăng cơ hội bán hàng.
Những thuận lợi để áp dụng mô hình O2O tại nước ta
Theo nghiên cứu có để khoảng 70,3% dân số nước ta sử dụng internet và tốn trung bình 3-5 tiếng mỗi ngày để lên mạng. Trong đó, khảo sát cũng cho biết, có đến 69% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ truy cập Internet để nghiên cứu và học tập; 61% người dùng Internet để xem phim, nghe nhạc; 59% truy cập Internet để mua sắm trực tuyến, …
Dựa vào kết quả trên, ta nhận định rằng có đến phần lớn người tiêu dùng Việt có thói quen sử dụng internet để tìm kiếm thông tin về các sản phẩm và dịch vụ trước khi quyết định mua hàng. Vì vậy, việc tiếp cận khách hàng qua các chiến lược marketing online khá dễ dàng và hiệu quả.
Tuy nhiên, việc mua sắm online còn tồn tại khá nhiều hạn chế, một trong những rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến quyết định chi tiền của người tiêu dùng Việt đó là thói quen mua sắm. Họ có tâm lý e ngại về chất lượng hàng hóa vì vậy luôn muốn trực tiếp chạm tay, trải nghiệm về sản phẩm. Ngoài ra ngay cả việc không được “mặc cả” cũng là một trong những nguyên nhân khiến mọi người không hào hứng với việc mua hàng qua mạng, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị cao.
Xem thêm: Top 5 phần mềm quản lý bán hàng trên các sàn thương mại tại đây
Với cơ hội từ việc dễ dàng tiếp cận khách hàng qua internet và khắc phục những hạn chế nhất định của việc kinh doanh, mua sắm trực tuyến, mô hình O2O chính là giải pháp kinh doanh rất hiệu quả và phù hợp.
Cách thức triển khai mô hình
Kỹ thuật mà các công ty sử dụng mô hình O2O có thể dùng là kỹ thuật “Buy Online Pick – Up In Store”, tức là đặt hàng trực tuyến nhưng nhận hàng tại cửa hàng, hoặc cho phép khách hàng đổi trả sản phẩm đã mua trực tuyến tại các cửa hàng thực tế hoặc với điểm tích lũy có được khi mua hàng trực tuyến khách hàng được tặng phiếu đến các cửa hàng thực tế để mua sắm sản phẩm.
Trước khi mua sắm bất kỳ sản phẩm nào, khách hàng có thể tìm kiếm mọi thông tin về chúng trên internet thông qua fanpage, website, google, …Khi đã tìm được sản phẩm yêu thích, hãy để lại thông tin để đội ngũ nhân viên bán hàng tư vấn thêm cho bạn, giải đáp các thắc mắc và lên lịch hẹn mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Tùy vào doanh nghiệp, bạn có thể thanh toán khi nhận hàng, thanh toán trước toàn bộ giá trị sản phẩm hoặc một phần trước khi đến cửa hàng mua chúng và trải nghiệm.
Căn cứ theo lịch hẹn, đến cửa hàng trải nghiệm về sản phẩm, có thể lựa chọn đổi các mẫu khác nếu bạn yêu thích hoặc cảm thấy không hài lòng, nhân viên tư vấn sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền trước đó đã thanh toán online.
Xem thêm: Các tiêu chí đánh giá một website thương mại hiệu quả Tại đây
Với cách thức tổ chức kinh doanh như vậy, các công ty sẽ vẫn có khách hàng đến các cửa hàng thực tế để xem các sản phẩm họ nhìn thấy và đặt mua trên mạng, như vậy công ty cũng sẽ thu hút được một lượng khách hàng đáng kể đến cửa hàng thực tế lấy sản phẩm nếu tiện đường đi thay vì ngồi chờ đợi nhân viên giao hàng tới.