Thông thạo về ngoại ngữ chính là yêu cầu bắt buộc đối với Hướng dẫn viên du lịch Quốc tế. Để có thể được cấp mới hoặc cấp đổi thẻ, các Hướng dẫn viên cần nắm chắc những quy định về trình độ Ngoại ngữ được nêu rõ trong Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
Nội dung bài viết
Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ
Hướng dẫn viên du lịch Quốc tế cần sử dụng thành thạo ngoại ngữ đăng ký hành nghề; đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
– Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành ngoại ngữ;
– Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên theo chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài;
– Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên ở nước ngoài*;
– Có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận ngoại ngữ bậc 4 trở lên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc B2 trở lên Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu, còn thời hạn hoặc được cấp trong vòng 05 năm đối với chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận ngoại ngữ không quy định thời hạn, do tổ chức, cơ quan có thẩm quyền cấp đạt mức yêu cầu theo quy định tại Phụ lục I Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017.
(Hướng dẫn viên có thể thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dành cho Việt Nam của các cơ sở đào tạo của Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoặc HDV DL có thể thi lấy một trong những chứng chỉ quốc tế được công nhận.)
Những chứng chỉ Ngoại ngữ Quốc tế được công nhận
(Theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
1. Tiếng Anh
– Chứng chỉ TOEFL – iBT 61 điểm;
– Chứng chỉ IELTS – 5.5 điểm;
– Chứng chỉ Aptis – 151 điểm;
– Chứng chỉ TOEIC – TOEIC Reading and Listening 650 điểm, TOEIC Speaking 160 điểm, TOEIC Writing 150 điểm;
– Chứng chỉ OPIc + WPT + LPT & RPT của ACTFL – Advanced Mid
2. Tiếng Nhật
– Chứng chỉ 5 cấp JLPT – Cấp độ N2;
– Chứng chỉ OPIc + WPT + LPT & RPT của ACTFL (1) – Advanced Mid;
3. Tiếng Trung
– Chứng chỉ 6 cấp HSK + HSK K – Cấp độ 4 + HSK K intermediate;
– Chứng chỉ TOCFL – Cấp độ 4.
4. Tiếng Đức
– Chứng chỉ ZDfB – Cấp độ B2;
– Chứng chỉ TestDaF – Cấp độ 4.
5. Tiếng Pháp
– Chứng chỉ DELF – Cấp độ B2;
– Chứng chỉ TCF – Cấp độ 4;
– Diplôme de Langue.
6. Tiếng Tây Ba Nha
– Chứng chỉ DELE – Cấp độ Intermedio
7. Tiếng Ý
– Chứng chỉ DILI;
– Chứng chỉ CILS – Cấp độ B2;
– Chứng chỉ CELI – Cấp độ 3.
8. Tiếng Hàn Quốc
– Chứng chỉ KLPT – Bậc 4
– Chứng chỉ TOPIK (thi Nghe, Đọc, Viết) + OPIc tiếng Hàn – TOPIK Bậc 4 và OPIc tiếng Hàn Advanced Low
9. Tiếng Nga
– Chứng chỉ TRKI – Cấp độ 3
10. Các ngoại ngữ khác
– Tương đương bậc 4 trở lên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc B2 trở lên Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung Châu Âu.
Yêu cầu đối với chứng chỉ Ngoại ngữ
– Những HDV DL đã có chứng chỉ ngoại ngữ chuyên ngành du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp trước ngày 01/01/2018 được công nhận giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên chứng chỉ.
– Chứng chỉ ngoại ngữ chuyên ngành du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp là chứng chỉ có uy tín được TCDL công nhận từ tháng 9/2004 đến tháng 12/2017. Nội dung bài kiểm tra liên quan đến các tình huống giao tiếp với khách du lịch quốc tế. Vì vậy, các khóa đào tạo Ngoại ngữ chuyên ngành du lịch vẫn rất hữu ích đối với những hướng dẫn viên du lịch nội địa muốn đổi sang làm nghề HDVDL quốc tế.
Ngoài những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, Hướng dẫn viên du lịch Quốc tế cũng cần đáp ứng những yêu cầu sau:
– Tốt nghiệp Cao Đẳng chuyên ngành HDV du lịch trở lên hoặc tốt nghiệp ĐH, CĐ, TC các ngành nghề khác kèm theo Chứng chỉ Nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch (chứng chỉ này được các trường đủ tiêu chuẩn đào tạo được Tổng cục du lịch chấp nhận cấp , thời gian học từ 1 đến 3 tháng tùy theo bằng cấp bạn đang có).
– Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam;
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện.
Trình tự thực hiện Thủ tục cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch Quốc tế
Bước 1: Gửi hồ sơ
– Hướng dẫn viên sẽ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Phòng Quản lý Du lịch – Sở Du lịch mẫu đơn như sau:
● Đơn đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch theo Mẫu 31 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL.
● Phiếu thông tin hướng dẫn viên du lịch theo Mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL.
– Sau đó, cơ quan này sẽ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần, trừ các ngày lễ, tết.
Bước 2: Chờ thẩm định hồ sơ
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ lúc nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Du lịch sẽ thẩm định hồ sơ, nhập dữ liệu về Hướng dẫn viên du lịch vào hệ thống theo hướng dẫn tại trang web quản lý Hướng dẫn viên của Tổng cục Du lịch.
– Nếu đủ điều kiện cấp thẻ, Sở Du lịch quyết định cấp và gửi báo cáo qua mạng về Tổng cục Du lịch. Ngược lại, trong trường hợp không đủ điều kiện cấp thẻ, Sở Du lịch trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp thẻ biết.
Bước 3: Nhận kết quả
– Hướng dẫn viên nhận kết quả và nộp lệ phí tại Phòng Quản lý Du lịch của Sở Du lịch. Lệ phí cấp Thẻ Hướng dẫn viên du lịch cho mỗi cá nhân là 650.000 đồng.