Top 6 công việc siêu hấp dẫn trong nghề Bếp

Nghề Bếp được coi là nghề “cầm xoong, cầm chảo hái ra tiền” bởi lẽ nhu cầu nhân lực trong ngành rất lớn khi dịch vụ nhà hàng khách sạn được chú trọng đầu tư phát triển. Nghề Bếp tuy có vất vả và áp lực nhưng đổi lại bạn được thỏa sức đam mê với việc nấu ăn, tạo ra những món ăn hấp dẫn làm hài lòng khách hàng. Vậy nên, nếu bạn đang theo học hay đang làm việc trong lĩnh vực ẩm thực thì hãy cứ theo đuổi đến cùng nhé. Dưới đây là 6 vị trí công việc siêu hấp dẫn dành cho bạn đó.

Phụ bếp

Phụ bếp là vị trí công việc khởi đầu mà bạn có thể lựa chọn trên con đường đi đến những bước tiến cao hơn trong trong nghề Bếp. Đây là vị trí công việc chỉ những người phụ việc trong bếp, làm việc dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo và giám sát của bếp chính, bao gồm những công việc nhỏ nhặt và đơn giản nhất như vệ sinh dụng cụ, sơ chế nguyên liệu, lấy dụng cụ chế biến…. Vị trí này được xem là trợ thủ đắc lực giúp đầu bếp thực hiện công việc chế biến được nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Phụ Bếp
Phụ Bếp

Vì là những bước đi đầu tiên và công việc khá đơn giản, không yêu cầu trình độ cao nên mức lương khá khiêm tốn dao động từ 4 – 6 triệu đồng/ tháng. Ở vị trí Phụ bếp, bạn cần làm những công việc sau:

● Chuẩn bị nguyên vật liệu, dụng cụ chế biến đầu ca làm việc dưới sự giám sát và chỉ đạo từ Bếp phó hoặc bếp trưởng.

● Hỗ trợ bếp chính chế biến một số món ăn đơn giản, món khai vị, tráng miệng… không đòi hỏi tay nghề cao

● Đảm bảo vệ sinh khu vực bếp sạch sẽ – bảo quản trang thiết bị, dụng cụ làm bếp sau mỗi ca làm

● Thực hiện các công việc khác có liên quan dưới sự chỉ định của Bếp trưởng.

Tuy yêu cầu chuyên môn không cao nhưng công việc này đòi hỏi bạn phải có trí nhớ tốt để ghi nhớ các công việc cần làm, có sự phối hợp nhịp nhàng với các đồng nghiệp và quan trọng bạn phải biết sắp xếp mọi thứ một cách khoa học, gọn gàng bởi không gian bếp rất nhỏ và những lúc cao điểm bạn sẽ không bị chậm trễ trong công việc.

Bếp chính

Bếp chính đảm nhiệm công việc rất quan trọng, là người trực tiếp chế biến món ăn theo yêu cầu của thực khách. Mức lương ở công việc này có phần cải thiện hơn so với bếp phụ dao động từ 6 – 8 triệu/ tháng. Đồng nghĩa với đó, trách nhiệm công việc của bạn cũng nhiều hơn.

Vào đầu ca làm việc, bạn cần phải phối hợp với bếp trưởng hoặc bếp phó kiểm tra hàng hóa, thực phẩm nhập vào bao gồm cả số lượng và chất lượng. Cập nhật danh sách các món ăn khách hàng order để chuẩn bị nguyên liệu chế biến.

Công việc của Bếp Chính
Công việc của Bếp Chính

Thực hiện việc tẩm ướp nguyên liệu sao cho phù hợp với từng món ăn theo tiêu chuẩn.Trực tiếp chế biến món ăn theo đúng quy trình, tiêu chuẩn của nhà hàng, đảm bảo tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nội quy an toàn lao động trong bếp và trang trí món ăn sau chế biến thật hấp dẫn và bắt mắt.

Bên cạnh đó bạn sẽ là người phải quản lý khu vực bếp đã được bếp trưởng phân công, kiểm tra và giám sát quá trình làm việc của phụ bếp và các bộ phận liên quan.

Để thực hiện tốt công việc này, bạn cần phải trang bị những kỹ năng như:

● Có bằng cấp, chứng chỉ nghề đầu bếp.

● Có khả năng sáng tạo món ăn.

● Khả năng cảm nhận mùi vị tốt.

● Sức khỏe tốt

● Siêng năng, nhiệt tình, năng động, cần cù, ….

Chuyên gia pha chế

Bartender là người pha chế các thức uống từ rượu như Cocktail, pha chế Mocktail (không chứa cồn), các dòng thức uống phổ biến trong bar… Bartender làm việc để phục vụ nhu cầu khách hàng và sáng tạo nên những loại thức uống mang phong cách cá nhân. Phát triển thành Mixologist với dấu ấn riêng hay thành thạo kỹ thuật flair bartending cũng là một phần trong lộ trình phát triển mà các chuyên gia pha chế hướng đến.

Một số nhiệm vụ của nhân viên pha chế:

● Chuẩn bị nguyên liệu, thành phần theo công thức pha chế.

● Thực hiện pha chế các loại thức uống theo yêu cầu của khách hàng.

● Chuẩn bị dụng cụ pha chế và tiêu chuẩn của quầy Bar, dọn dẹp và sắp xếp khu vực làm việc.

● Kiểm kê hàng hóa hằng ngày, thực hiện đề xuất mua hàng theo tiêu chuẩn…

Chuyên gia pha chế
Chuyên gia pha chế

Là một Bartender chuyên nghiệp, bạn cần nắm vững kiến thức và kỹ năng pha chế đa dạng các loại thức uống thông dụng, đặc biệt yêu cầu cao về sự sáng tạo để làm ra những món uống mới lạ, bắt kịp xu hướng và phù hợp với sở thích của khách hàng. Tuỳ môi trường làm việc mà mức lương ngành pha chế cơ bản cho một nhân viên pha chế sẽ dao động từ 200 – 240 USD (chưa tính tiền tip, phụ cấp và thưởng doanh số).

Chuyên gia làm bánh

Thợ làm bánh là công việc không chỉ có nhiều cơ hội về việc làm mà đây còn là công việc phù hợp với những ai yêu thích làm bánh và ẩm thực. Bạn có thể lựa chọn làm việc tại các tiệm bánh, bếp bánh trong nhà hàng khách sạn, các doanh nghiệp hoặc hơn hết là có thể trở thành một chủ tiệm bánh và làm việc độc lập. Với mức lương từ 6- 20 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào kinh nghiệm và tính chất công việc.

Thợ làm bánh
Thợ làm bánh

Nhìn chung công việc của thợ làm bánh sẽ bao gồm các công việc sau:

● Chuẩn bị đầy đủ các nguyên vật liệu như: bột, đường, bơ, nguyên liệu trang trí,…các công cụ, dụng cụ, thiết bị cần dùng trong quá trình làm bánh.

● Xác định số lượng và loại bánh cần phải làm và thực hiện chế biến các món bánh có trong thực đơn theo đúng quy trình, phương pháp và yêu cầu thành phẩm.

● Sáng tạo các sản phẩm, các loại bánh và quầy bánh mới lạ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

● Sau ca làm việc, thợ làm bánh có nhiệm vụ kiểm kê lại toàn bộ nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, dọn dẹp và sắp xếp đồ dùng gọn gàng, sạch sẽ.

Để theo nghề làm bánh không khó chỉ cần có đam mê, sự kiên trì, tỉ mỉ và tinh thần ham học hỏi là có thể theo đuổi con đường này. Đam mê là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn trong công việc và theo đuổi nghề nghiệp đến cùng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần luôn luôn học hỏi kiến thức, kỹ năng làm bánh mới bởi thị trường, thị hiếu khách hàng luôn thay đổi.

Bếp phó

Bếp phó được xem là cánh tay phải đắc lực của bếp trưởng. Là người trực tiếp quản lý hoạt động bếp thông qua việc lên kế hoạch, sắp xếp lịch làm việc cho bộ phận, giám sát mọi hoạt động của bộ phận bếp

Tiếp nhận các yêu cầu gọi món đặc biệt của thực khách và triển khai thực hiện việc chế biến trong thời gian nhanh nhất. Phối hợp với bếp trưởng và các vị trí liên quan lên menu mới, menu chương trình khuyến mãi cho nhà hàng, hấp dẫn thực khách. Hỗ trợ bếp trưởng thiết lập định lượng, công thức của món ăn, hình ảnh, giá bán món ăn sử dụng trên menu.Ngoài ra, bếp phó cũng là người đào tạo và bồi dưỡng tay nghề cho các bếp chính và các nhân viên mới.

Bếp phó
Bếp phó

Đảm nhận công việc này bạn sẽ có mức lương rất hậu hĩnh lên đến 20 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, đây không phải là vị trí mà ai cũng có thể làm được. Bởi muốn trở thành Bếp Phó bạn phải có kiến thức về ẩm thực, vệ sinh an toàn thực phẩm, cách chuẩn bị thức ăn, lựa chọn nguyên liệu. Có kỹ năng lãnh đạo và quản lý tốt vì Bếp Phó phải quản lý nhân sự trong bếp ăn, giám sát và báo cáo công việc cho Bếp Trưởng.

Bếp trưởng

Đây có lẽ là vị trí mà rất nhiều bạn ao ước khi theo nghề Bếp không chỉ về địa vị, chức vụ mà còn về cả mức thu nhập khủng lên đến gần 40 triệu đồng/ tháng. Đây là vị trí công việc cần rất nhiều thời gian, nghị lực, kỹ năng và chuyên môn để phấn đấu mới đạt được.

Các Bếp trưởng nói chung là người chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các khu vực bếp trong một Nhà hàng – Khách sạn, nơi làm việc của mình. Từ việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động cho đến tiêu chuẩn vận hành, kỹ năng nghề, kế hoạch nhân sự của bếp… đều nằm trong danh sách những việc cần làm của một Bếp trưởng. Cùng với kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn, Bếp trưởng là người chịu trách nhiệm cho chất lượng các món ăn sau cùng, trước khi đến tay thực khách.

Bếp trưởng - vị trí công việc đáng mơ ước trong nghề Bếp
Bếp trưởng – vị trí công việc đáng mơ ước trong nghề Bếp

Các kỹ năng hỗ trợ trong công việc:

❖ Kỹ năng quản lý: Chịu trách nhiệm lãnh đạo đội ngũ Đầu bếp.

❖ Kỹ năng tổ chức: Lập bảng phân công nhiệm vụ, giao hàng, lưu trữ thực phẩm…

❖ Kỹ năng lập kế hoạch: Lập kế hoạch thực đơn và đảm bảo các món ăn thích hợp với thời điểm.

❖ Kỹ năng tài chính: Khả năng thương lượng giá cả và quản lý ngân sách.