Du lịch Hà Nội, nên ghé thăm đâu?

Nếu có dịp ghé thăm thủ đô ngàn năm văn hiến, nên ghé thăm những địa danh nào để khám phá hết nét đẹp của mảnh đất Hà Thành. Cùng Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội chỉ ra top các điểm dừng chân tuyệt mỹ nên trải nghiệm và đưa vào checklist 1 ngày khám phá trọn vẹn hết Hà Nội ngay dưới đây.

Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới nằm giữa lòng Hà Nội và đã có bề dày lịch sử hơn 1300 năm. Nơi đây chứa đựng những di tích, di vật độc đáo, minh chứng cho lịch sử của Thăng Long – Hà Nội và lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thời đại. Là những minh chứng cho lịch sử vàng son chói lọi của dân tộc. Vậy nên, nếu ghé thăm du lịch Hà Nội, hãy đến Hoàng thành để sống mãi với những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010
Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010

Hồ Hoàn Kiếm

Một địa điểm không còn quá xa lạ với người dân Hà Nội. Hoàn Kiếm là hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội. Với vị trí đắc lợi, là nơi kết nối các phố cổ của Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can,… với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ như Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền…

Đây là địa điểm du khách nhất định phải ghé thăm. Dạo quanh hồ, du khách có thể lựa chọn di chuyển đi bộ hoặc xe bus 2 tầng để tận hưởng thiên nhiên trong lành giữa phố thị và ngắm nhìn vẻ đẹp của Hà Nội từ trên cao.

Bên cạnh đó, cuối tuần, hãy lựa chọn đi bộ tại đây để cảm nhận được không khí trong lành, tận hưởng cảm giác tuyệt vời cùng gia đình, bạn bè khi hòa mình dưới dòng người. Chỉ khi hòa mình vào phố đi bộ ngày cuối tuần, du khách mới cảm nhận được hết vẻ đẹp hoa lệ của thủ đô khi màn đêm buông xuống.

Biểu tượng của thủ đô Hà Nội
Biểu tượng của thủ đô Hà Nội

Cầu Long Biên

Không chỉ đơn thuần bắc qua hai bờ sông Hồng, cầu Long Biên còn chính là dấu ấn nối liền giữa hiện tại và ký ức xưa của những người dân yêu Hà Nội. Cầu Long Biên được xây dựng vào năm 1898, dân gian còn gọi bằng cái tên cầu Sông Cái hay cầu Bồ Đề vì cầu bắc qua bến Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội.

Với chiều dài 1.682 m cùng phần cầu dẫn dài 896m, cầu Long Biên được chia làm 9 khung, mỗi khung dài 61m. Theo thiết kế ban đầu, cầu có tất cả 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cây cầu vẫn hiện hữu là minh chứng cho lịch sử của dân tộc, là biểu tượng kiên cường, bất khuất của người dân thủ đô và dân tộc Việt Nam. Nếu ghé thăm du lịch Hà Nội, hãy thử một lần đi trên cây cầu ấy, ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống và lưu giữ ngay những bức ảnh tuyệt sắc từ thiên nhiên ban tặng.

Vẻ đẹp lịch sử trường tồn với thời gian của cầu Thăng Long
Vẻ đẹp lịch sử trường tồn với thời gian của cầu Thăng Long

Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Quốc Tử Giám chính là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Ngày nay du khách đến du lịch Hà Nội có thể tham quan các bia đá, khuôn viên trang nghiêm với những ao sen, ao súng. Văn Miếu là nơi thanh bình, yên tĩnh hiếm hoi giữa thành phố sôi động. Du khách sẽ cảm nhận được sự hài hòa giữa cổ và kim khi tới đây qua những bức tường nghìn năm tuổi.

Khuê Văn Các là công trình biểu tượng của Hà Nội
Khuê Văn Các là công trình biểu tượng của Hà Nội

Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông mới cho lập nhà Quốc Tử Giám. Nơi này cũng lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý, đặc biệt là 82 bia tiến sĩ đã được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đối với người Việt, đây là một trong những điểm tham quan quan trọng nhất trong nước. Du khách tới để bày tỏ lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khách tham quan cần giữ im lặng, mặc quần áo phù hợp và không chụp ảnh tại những khu vực cấm.

Dự lễ thượng cờ vào buổi sáng là trải nghiệm đặc biệt tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu bỏ lỡ, du khách có thể yên tâm dạo chơi một vòng quanh thành phố và quay lại đây tham gia lễ hạ cờ lúc 9h tối hàng ngày. Không khí trang nghiêm bao trùm khắp quảng trường Ba Đình khi tiếng loa phát thanh vang lên báo lễ hạ cờ sắp diễn ra. Người người xếp hàng ngay ngắn, dõi theo đoàn cảnh vệ trang trọng hạ lá cờ Tổ Quốc trong tiếng nhạc bài hát “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Đây sẽ là trải nghiệm đặc biệt và ý nghĩa nhất trong hành trình khám phá và du lịch Hà Nội đó.

Ghé thăm Hà Nội nhất định phải đến thăm lăng Bác
Ghé thăm Hà Nội nhất định phải đến thăm lăng Bác

Phố cổ

Cứ để đôi chân dẫn đường, bạn sẽ khám phá được nhiều nhất về những con phố đầy màu sắc hoài niệm của thủ đô. Không đích đến, không vạch sẵn cung đường, chỉ có rẽ phải, rẽ trái hoặc đi thẳng. Phố này bán đầy đồ chơi, phố kia thấy toàn giày dép, quần áo, đồ cổ hay có khi là bia mộ, phụ tùng xe máy.

Nếu đến đây vào giờ tan tầm, trải nghiệm càng thú vị. Lúc nào cũng phải sẵn sàng né dòng người và xe bon bon trên đường. Cứ thế 1.000 năm lịch sử của Hà Nội chảy qua những con phố như dòng khí huyết len lỏi trong từng tĩnh mạch, thổi vào cuộc sống hơi thở của cả quá khứ lẫn hiện tại. Hãy vi vu khám phá hết các con phố cổ trong hành trình khám phá du lịch Hà Nội nhé.

Mang nét đẹp kiến trúc cổ xưa với ý nghĩa lịch sử sâu sắc
Mang nét đẹp kiến trúc cổ xưa với ý nghĩa lịch sử sâu sắc

Bảo tàng

Điểm đến không thể bỏ qua khi tới bất cứ thành phố nào chính là các bảo tàng, di tích lịch sử. Một trong những nơi được du khách check-in nhiều nhất chính là bảo tàng Dân tộc học. Bảo tàng Dân tộc học hiện lưu giữ và trưng bày 15.000 hiện vật, 42.000 phim tư liệu, tranh ảnh và hàng nghìn tài liệu khác về 54 dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, du khách cũng tìm đến bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bảo tàng Hà Nội, bảo tàng Lịch sử Quốc gia hay nhà tù Hỏa Lò, di tích Cột cờ Hà Nội… để tìm hiểu văn hóa, lịch sử của thành phố.

Khu tham quan ngoài trời ở Bảo tàng Dân tộc học
Khu tham quan ngoài trời ở Bảo tàng Dân tộc học