Trải qua gần 02 năm bị “đóng băng” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch đang bước vào năm mới 2022 đầy hứng khởi, khi các địa phương đã nới lỏng hoạt động du lịch, tham quan nghỉ dưỡng. Cả nước tưng bừng đón hơn 6 triệu lượt khách du lịch chỉ trong ít ngày nghỉ Tết, với tổng doanh thu ước tính đạt hơn 25.000 tỷ đồng, cùng với đó Chính phủ đang chỉ đạo các bên liên quan sớm công bố lộ trình mở cửa lại du lịch.
Nội dung bài viết
Tình hình Du lịch trong kỳ nghỉ tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm 2022
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các địa phương trên cả nước đón khoảng 6,2 triệu lượt khách, trong đó có gần 500 khách quốc tế đã đến Việt Nam theo chương trình “hộ chiếu vaccine”.
Lượng khách du lịch nội địa đã vượt xa số du khách cả tháng 12/2021 (5,2 triệu lượt) và không kém nhiều lượng khách nội địa trong tháng 1/2020 (7,3 triệu lượt) – thời điểm trước khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Một số điểm đến có lượng khách tăng đột biến, vượt hoặc xấp xỉ lượng khách dịp Tết Canh Tý 2020.
Những địa điểm “bùng nổ” du khách phải kể đến là Tây Ninh, An Giang, Vũng Tàu…, bên cạnh đó, các địa phương khác trải dài từ Bắc tới Nam cũng liên tục gặt hái “quả ngọt” vào dịp Tết như Lâm Đồng, Quảng Ninh, Lào Cai (Sapa)…
Tại Lào Cai
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Lào Cai đón hơn 86 nghìn lượt du khách đến Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Y Tý (Bát Xát) … vượt dự kiến hơn 15 nghìn lượt du khách.
Theo đó, từ ngày 27 tháng Chạp Tân Sửu đến mùng 6 Tết Nhâm Dần 2022, tổng số khách đến Lào Cai đạt hơn 86 nghìn lượt, trong đó SaPa 74.388 lượt; thành phố Lào Cai đón 31.200 lượt; Bắc Hà 4.400 lượt; Bảo Yên 41.000 lượt; Bát Xát 6.600 lượt (Cột cờ Lũng Pô đón 3.500 lượt, Y Tý đón 1.800 lượt khách du lịch, đền Mẫu đón 1.000 lượt khách chiêm bái); vượt dự kiến hơn 15 nghìn lượt du khách.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, công suất đặt phòng nghỉ tại các khu du lịch ở Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát đạt hơn 70%. Đặc biệt tại Sa Pa, với những khách sạn từ 3 sao trở lên, cao điểm vào các ngày từ mùng 2 đến mùng 4 Tết đạt từ 90-100% lượng khách đặt phòng.
Tại Hà Nội
Trong 7 ngày, từ ngày 31/1 đến hết ngày 6/2 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu đến 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần), Hà Nội đón khoảng hơn 105 nghìn lượt khách.
Một số địa điểm thu hút đông khách như: Vườn quốc gia Ba Vì đón 13.000 lượt khách, Vườn Thú Hà Nội đón khoảng 28.000 lượt khách, Khu du lịch Tản Đà đón 1.000 lượt khách, Làng sinh vật cảnh Hồng Vân đón 700 lượt khách…
Tại các điểm du lịch được hoạt động, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như thực hiện thông điệp “5K”, khai báo y tế bằng mã QR Code, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi tham quan, thực hiện giãn cách, hạn chế tiếp xúc gần trong quá trình tham quan…
Tại Ninh Bình
Đến ngày 7/2, ngành Du lịch Ninh Bình đã đón gần 180 nghìn lượt khách du Xuân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tăng 35,52% so với Tết năm 2021.
Với phương châm tạo điểm đến thân thiện, thích ứng linh hoạt mở cửa đón khách du lịch an toàn, Sở Du lịch Ninh Bình và các khu, điểm du lịch trong tỉnh đã kích hoạt các kịch bản phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền nơi có khu, điểm du lịch, bảo đảm xử lý tốt tình huống xấu nếu dịch bệnh xảy ra.
Năm 2022, Ninh Bình phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch. Từ tháng 7/2022, dự kiến sẽ mở cửa đón khách quốc tế, phấn đấu doanh thu du lịch đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tại Thừa Thiên Huế
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 7/2 cho biết, trong 10 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, từ ngày 28/01 đến hết ngày 06/02/2022 (nhằm ngày 26 đến ngày Mồng 6 Tết Nguyên Đán), có khoảng 63.232 lượt khách đến và tham quan các điểm di tích và các điểm du lịch, văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh (tăng trưởng 269,7% so với 17.100 lượt khách năm 2021).
Tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú từ 28/01 đến 06/02/2022 ước đạt 26.556 lượt (tăng trưởng trưởng 133% so với 11.395 lượt khách năm 2021), trong đó khách quốc tế khoảng 822 lượt (tăng trưởng 110,7% so với 390 lượt khách năm 2021).
Tại Đà Nẵng
Ngày 7/2, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các sở, ngành và các đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch đã tổ chức các sự kiện, sản phẩm dịch vụ để phục vụ du khách đến tham quan, du lịch.
Tổng khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ước đạt 35.939 lượt, tăng 16,71% so với 2021. Số khách này chủ yếu là khách nội địa (trong đó khách lưu trú: 25.500 lượt) tập trung tại các khu nghỉ dưỡng ven biển và tham quan các khu, điểm du lịch như: khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Công viên nước Mikazuki, bán đảo Sơn Trà…
Dịp đầu năm 2022 các đơn vị tổ chức đón các đoàn khách tham dự sự kiện, hội nghị, tri ân, khách đi công tác ngắn ngày. Các đơn vị lữ hành chủ yếu xây dựng các tour nội vùng (nội thành Đà Nẵng và giữa Đà Nẵng – Quảng Nam, Đà Nẵng – Huế – Quảng Nam), bao gồm các tour ngắn ngày, đi về trong ngày, staycation tại các khách sạn, resort 5 sao có giá tốt và đang mở cửa tại Đà Nẵng, Hội An,…
Tại Lâm Đồng
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 31/1 đến hết ngày 6/2), lượng khách đến du xuân, tham quan và nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng hơn 300 nghìn lượt, tăng hơn 566% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và tăng 15,4% so với Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Trong đó, khách lưu trú hơn 120 nghìn lượt, tăng 128,9% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu và tăng 25,4% so với Tết Nguyên đán Canh Tý; khách quốc tế hơn 1.900 lượt, tăng 3,1% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu, giảm 83,5% so với Tết Nguyên đán Canh Tý.
Lượng khách chủ yếu tập trung tại thành phố Đà Lạt, với tổng lượt khách qua lưu trú hơn 105 nghìn lượt, tăng 129,3% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu và tăng 23,7% so với Tết Nguyên đán Canh Tý.
Năm 2022, Lâm Đồng đặt mục tiêu đón hơn 5 triệu lượt du khách qua đăng ký lưu trú, trong đó khoảng 150 nghìn lượt khách quốc tế. Với lượng du khách chọn Đà Lạt-Lâm Đồng làm điểm đến trải nghiệm, du xuân năm 2022 là tín hiệu tích cực với ngành du lịch địa phương.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu
Tính đến chiều 6/2 (mùng 6 Tết), thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đón hơn 204.000 lượt du khách về nghỉ dưỡng trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch thành phố Vũng Tàu, Tết Nguyên đán 2022, địa phương đón số lượng du khách tăng 100,1% so với 7 ngày nghỉ Tết Tân Sửu 2021.
Thành phố cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở du khách và người dân chấp hành tốt các quy định phòng tránh dịch bệnh và đeo khẩu trang nơi công cộng.
Những chính sách “mở của” du lịch trong thời gian tới
Đối với ngành du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc sớm mở cửa rộng rãi đón khách quốc tế trên tinh thần thống nhất lộ trình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Triển khai Thí điểm đón khách du lịch Quốc tế
Theo Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (tháng 11/2021) tính đến ngày 8/2/2022, Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Khách du lịch chủ yếu từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…
Đến nay, đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.
Hoạt động du lịch trong kì nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần nói riêng sôi động trở lại tại một số trung tâm du lịch lớn trên cả nước, tạo đà phục hồi cho ngành du lịch năm 2022. Nhiều địa phương đã xây dựng sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang cơ sở lưu trú và khu, điểm du lịch để phục vụ khách du lịch, đồng thời đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống dịch.
Một số địa phương như Khánh Hoà, Đà Nẵng, Kiên Giang, … đã phối hợp với các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Bamboo Airways) và doanh nghiệp du lịch (Saigontourist, TTC Travel…) tổ chức lễ đón du khách “xông đất” đầu năm, đồng thời bày tỏ hy vọng về một năm mới du lịch Việt Nam phát triển hơn.
Với việc triển khai chương trình thí điểm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực cũng như trên thế giới mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế một cách chủ động, qua đó thể hiện uy tín và năng lực phòng chống dịch COVID-19 của đất nước thời gian qua, khẳng định chủ trương đúng đắn về “chiến lược vaccine” của Đảng, Chính phủ.
Việc triển khai chương trình là động lực tích cực, là “liều thuốc tinh thần” khích lệ các doanh nghiệp du lịch quyết tâm khôi phục lại hoạt động sau 2 năm gần như đóng cửa, chủ động kết nối lại thị trường, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, qua đó góp phần lan tỏa, thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch quốc tế.
Công tác xúc tiến thị trường, truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam về Chương trình thí điểm được tăng cường, với nhiều phương thức đa dạng, qua đó đã hỗ trợ hiệu quả việc kết nối lại với các thị trường khách du lịch trọng điểm của Việt Nam, thể hiện qua việc lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã tăng đáng kể trong thời gian qua.
Mở cửa đồng bộ để đón “làn sóng” du lịch an toàn, bền vững
Từ tháng 11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức triển khai chiến dịch truyền thông “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) trên trang web vietnam.travel và các mạng xã hội nhằm hướng đến thị trường khách quốc tế, được các doanh nghiệp, địa phương ủng hộ và hưởng ứng toàn diện. Ngành du lịch đồng thời triển khai nhiều giải pháp mang tính nền tảng, tạo cơ sở để đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch và từng bước hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong bối cảnh đại dịch, du lịch Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được các giải thưởng uy tín quốc tế có thể hiểu rằng hoạt động du lịch Việt Nam đang đi đúng hướng. Đó là tín hiệu cho thấy du khách quốc tế vẫn luôn đánh giá cao sức hấp dẫn, an toàn của các điểm đến Việt Nam.
Hiện tại, nhiều địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã chủ động lên các phương án để sẵn sàng đón khách quốc tế khi có chủ trương mới. Tuy nhiên, việc đón khách quốc tế vẫn gặp không ít khó khăn, do quy định đón khách theo hướng dẫn cũ không còn phù hợp, như chính sách thị thực (visa), quy định lựa chọn doanh nghiệp lữ hành, quy định cách ly du khách…
Các đơn vị kinh doanh, lữ hành mong muốn các địa phương cần có sự thống nhất về chính sách, cách thức đón khách, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp và du khách. Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối với nhau cùng xây dựng chuỗi dịch vụ chất lượng, an toàn.
Do đó, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để mở cửa đón khách du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, cần ban hành hướng dẫn thủ tục nhập xuất cảnh, đảm bảo an toàn y tế tại các cửa khẩu quốc tế và triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Tăng cường đàm phán nhằm gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng – “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam để phục vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài trong điều kiện bình thường mới. Gia tăng tần suất, kết nối các đường bay thương mại quốc tế thường lệ phục vụ khách du lịch, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Cơ quan quản lý du lịch các cấp, các địa phương, điểm đến du lịch tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đảm bảo an ninh, an toàn, có phương án và chủ động xử lý sự cố y tế phát sinh. Các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chủ động, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Khắc phục tổn thất nguồn nhân lực ngành Du lịch
Theo chuyên gia du lịch TS. Trịnh Lê Anh (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), với các doanh nghiệp phải “ngủ đông” trong thời gian qua, bây giờ là lúc “tái khởi nghiệp” từ đầu và sẽ phải tuyển dụng những nhân sự “đầu tiên” khi hoạt động trở lại. Mặt khác, chủ một công ty lữ hành cũng chia sẻ, với những người theo chuyên ngành du lịch, có thể nói rất ít trong số họ sẽ tự tin rời bỏ công việc hiện tại để bước chân vào ngành du lịch sau những gì họ được chứng kiến trong 2 năm vừa qua.
Phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực không ngừng, có những hành động thực tế trong việc xây dựng, đào tạo và sử dụng nguồn lực lao động. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu du khách đã thay đổi, nhân sự du lịch trở lại cần được tập huấn, đào tạo nhiều kỹ năng phục vụ mới, đơn cử như các kỹ năng về công nghệ và bảo đảm an toàn trong quá trình hướng dẫn tour, phục vụ du khách…
Như vậy có thể thấy, trải qua gần 02 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch đang dần khôi phục trở lại và hứa hẹn sẽ phát triển vượt bậc trong tương lai. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ngành Du lịch cũng đang có sự thiếu hụt trầm trọng, nếu biết nắm bắt cơ hội thì đây chính là một bước phát triển vượt bậc dành cho những bạn có niềm đam mê với ngành Du lịch.