Nét đẹp truyền thống ngày Tết Việt Nam

Tết là ngày lễ đặc biệt quan trọng và ý nghĩa đối với mọi người dân Việt Nam. Là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy và là dịp diễn ra rất nhiều các chuỗi hoạt động ý nghĩa. Hãy cùng Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội tìm hiểu về các nét đẹp truyền thống ngàn đời trong ngày Tết Việt Nam

Cúng ông Công, ông Táo

Cứ vào 23 tháng Chạp hằng năm, người Việt lại tất bật chuẩn bị cho ngày ông Công, ông Táo. Và cũng bắt đầu từ đây, ngày Tết Việt Nam trở nên có không khí và đến gần hơn với mọi gia đình, báo hiệu một cái Tết sắp về.

Cứ vào ngày 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong gia đình nhà chủ với Ngọc Hoàng. Vào ngày này, mọi người thường dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm cúng ông Công ông Táo để tiễn về chầu trời.

Phương tiện đi lại của ông Công, ông Táo khi về trời đó chính là cá chép vàng. Vậy nên, mỗi gia đình đều sẽ chuẩn bị một hoặc ba con cá chép vàng thả vào trong nước cúng cùng với mâm cúng đã được chuẩn bị để tiễn ông Táo về trời.

Đây là nét đẹp truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cúng ông Công ông Táo cũng thể hiện mong muốn về một năm êm ấm, hạnh phúc và thuận hòa. Sau nghi lễ tế ông Công ông Táo về trời cá chép được mang đi phóng sinh.

Xem thêm: Bí quyết nấu xôi ngon dẻo tại nhà tại đây

Cúng Ông Công Ông Táo vào 23 tháng Chạp
Cúng Ông Công Ông Táo vào 23 tháng Chạp

Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng, bánh tét là một phần không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa của người Việt trong ngày Tết Việt Nam. Mỗi gia đình sẽ có thời gian gói khác nhau, có nhà gói sớm có nhà gói muộn khoảng từ 27- 29 Tết, nhà nhà lại quây quần bên nhau mỗi người một việc, rộn ràng gói những chiếc bánh chưng xanh đón Tết.

Người miền Bắc gói bánh chưng có hình vuông còn người miền Nam gói bánh Tét có hình trụ. Dù là loại bánh nào nhưng đều mang nét đẹp văn hóa đặc trưng con người Việt. Xuất phát từ thời vua Hùng, mỗi dịp Tết đến xuân về, mỗi gia đình đều gói bánh chưng, bánh tét để thờ cúng tổ tiên và đem biếu tặng bạn bè, người thân cùng thưởng thức vào dịp Tết. 

Ngày nay khi xã hội phát triển, nhiều gia đình đã không còn gói bánh chưng, bánh tét như trước mà họ có thể dễ dàng đặt mua. Tuy nhiên, trải nghiệm tự gói bánh chưng, bánh tét và cùng quây quần bên bếp lửa đỏ chờ bánh chín vẫn là một trải nghiệm nên thử và khó quên trong cuộc đời mỗi con người. Giây phút ấy sẽ rất ý nghĩa, mỗi người sẽ đều cảm nhận được hương vị tình thân, sự gắn kết đoàn viên trong giây phút những ngày cuối năm. 

Xem thêm: Món ăn truyền thống ngày Tết Nhật Bản tại đây

Bánh chưng, bánh tét là hơi thở của ngày Tết Nguyên Đán
Bánh chưng, bánh tét là hơi thở của ngày Tết Nguyên Đán

Chơi hoa dịp Tết

Từ rất sớm, khắp mọi nẻo đường đều bày bán rất nhiều hoa đào, quất cảnh, các loài hoa đua nhau khoe sắc cả một vùng trời gợi nhắc người ta tết sắp về. Hoa là thứ mà không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về, nếu thiếu đi sắc hoa Tết không còn trọn vẹn. 

Những cành đào nhỏ, những cành tuyết mai hay những bó hoa cúc đủ màu được cắm trên bàn thờ vừa để trang trí vừa mang đến may mắn, tài lộc. Tùy vào sở thích của mỗi gia đình sẽ có thú chơi hoa khác nhau. Tuy nhiên mỗi loài hoa đều mang những ý nghĩa riêng tượng trưng cho sự may mắn, tròn đầy, viên mãn. 

Miền Bắc có hoa đào thì ở miền Trung và miền Nam, mai vàng là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Việt Nam. Bởi mai vàng tượng trưng cho sự cao sang, truyền quý, giàu tài lộc. Và thú vui chơi hoa dịp Tết chính là một nét đẹp trong văn hóa Việt, góp phần tô điểm cho cái tết thêm đẹp, thêm vui 

Xem thêm: Cách làm dưa hành tím muối đơn giản tại đây

Chơi hoa ngày Tết đã trở thành nét đẹp của người Việt
Chơi hoa ngày Tết đã trở thành nét đẹp của người Việt

Bày mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả là mâm không thể thiếu được trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết Việt Nam. Mỗi vùng miền sẽ có những cách bày trí và sử dụng các loại quả khác nhau với mong muốn sung túc, hạnh phúc và giàu tài lộc, sức khỏe. 

Mâm ngũ quả còn được xem là biểu tượng của thành quả sau một năm lao động miệt mài của gia đình. Những sản phẩm đều là công sức, sự chắt chiu để khi mùa xuân đẹp, thời tiết tốt lành nhất để thành kính dâng lên Tổ tiên. 

Bên cạnh đó thì năm loại quả này còn tượng trưng cho sự đầy đủ, ứng với mệnh của con người, chọn số lẻ để tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.

Xem thêm: Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết tại đây

Đón giao thừa

Đây là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là thời khắc thiêng liêng đất trời giao hòa. Đón giao thừa được diễn ra vào thời khắc cuối cùng của năm cũ, bởi vậy hoạt động còn mang ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đến đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng giao thừa phải được thực hiện ở ngoài trời.

Vào đúng thời khắc đêm giao thừa người Việt thường có thói quen đi hái lộc đầu năm với mong muốn mang rước lộc về nhà để đón một năm mới thật nhiều may mắn. Có nhiều gia đình đã lựa chọn đi chùa để cầu may và đón lộc vào nhà.

Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới
Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới

Thời khắc giao thừa kết thúc, bước sang một năm mới, gia chủ thường chọn người bước vào nhà mình đầu tiên để xông đất. Đó phải là những người hợp tuổi với gia chủ, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt với mong muốn một năm mới mọi điều đều thuận lợi, tốt đẹp.

Chúc Tết và lì xì đầu năm

Nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết Việt Nam này có từ thời xa xưa. Chúc Tết không chỉ là truyền thống mà còn là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết. Vào ngày mùng 1 tháng Giêng đầu năm mới, mọi người trong gia đình thường cùng nhau đi chúc Tết bên nhà nội ngoại, mang theo quà cáp để mừng cho gia chủ.

Con cháu thì chúc thọ ông bà và người lớn tuổi sang năm mới sức khỏe dồi dào, may mắn, bình an sau đó được người lớn chúc lại kèm theo một phong bao lì xì nhỏ màu đỏ, bên trong đựng những đồng tiền mới với ý nghĩa chúc cho con cháu nhận được sẽ ngày càng được đạt được nhiều may mắn, thành công.

Chúc Tết là hoạt động không thể thiếu vào ngày Mùng 1 Tết
Chúc Tết là hoạt động không thể thiếu vào ngày Mùng 1 Tết

Tiền trong bao lì xì không quan trọng ít hay nhiều mà nó ở ý nghĩa và nét văn hóa ấy, nó tượng trưng cho tài lộc, cho sự may mắn của cả người cho lẫn người nhận. Chúc Tết và lì xì đầu năm là nét đẹp hàng ngàn năm và là những đặc trưng phong tục không thể thiếu vào ngày đầu năm mới. 

Xem thêm: Các loại mứt không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán tại đây

Đi lễ chùa đầu năm

Đi lễ chùa đầu năm được coi là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Đầu năm mọi người thường đi chùa với mong muốn cầu cho một năm mới may mắn, hạnh phúc. Đây cũng là việc làm để tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với Đức Phật, tổ tiên.

Đi chùa cũng là dịp để mọi người xin chữ đầu xuân về treo trong nhà với mong muốn cầu cho những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình, người thân của mình. Xin chữ đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa ngày Tết Việt Nam. 

Ngày Tết Việt Nam
Ngày Tết Việt Nam

Tết là mở đầu của một năm mới, bởi vậy ai cũng mong mình sẽ đạt được những điều may mắn trong năm tới, do đó có những phong tục ngày Tết dường như đã ăn sâu bám rễ trong đời sống người Việt. Những phong tục ấy đã trở thành một phần không thể thiếu, thành một thói quen trong văn hóa của người Việt, là truyền thống tốt đẹp cần giữ gìn và phát huy qua mọi thế hệ. 

Xem thêm: Các món ăn truyền thống trong ngày Tết cổ truyền tại đây