Trở thành một trong ba ngành trọng điểm dẫn đầu về nhu cầu nhân lực tại nước ta, công nghiệp thực phẩm đang trên đà phát triển. Được đánh giá là ngành nghề đầy triển vọng, là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Trước những lợi thế đó, cơ hội việc làm dành cho sinh viên theo học ngành này càng rộng mở hơn.
Nội dung bài viết
Công nghệ thực phẩm – Ngành nghề triển vọng, đón đầu xu thế
Công nghiệp thực phẩm là ngành thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015-2025 và đang khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, cùng với xu hướng hội nhập, ngành này đã mở rộng và đa dạng hóa quan hệ hợp tác với các nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp thực phẩm liên tục được xây dựng, đầu tư để đa dạng hóa chủng loại và chất lượng sản phẩm. Do vậy, thị trường lao động luôn có những vị trí tuyển dụng thích hợp để chào mời và làm hài lòng các kỹ sư thực phẩm.
Bộ Công Thương đã xếp công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành đang có lợi thế cạnh tranh và cùng với đà phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đây sẽ là một ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, tương lai của các kỹ sư công nghệ thực phẩm tài giỏi và đam mê với nghề sẽ không chỉ được đảm bảo ở sự vững vàng mà chắc chắn sẽ ngày càng vươn xa hơn.
Các vị trí việc làm đặc trưng
Nhân viên kiểm định chất lượng (QA)
QA được viết tắt của cụm từ Quality Assurance – Đảm bảo chất lượng. Quy trình đảm bảo chất lượng là quá trình rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Được thực hiện theo hệ thống và trình tự các bước từ việc xác định -> lập kế hoạch -> thực hiện và xem xét lại các quy trình sản xuất, với mục đích sản phẩm sản xuất ra sẽ thoả mãn yêu cầu của khách hàng.
Vậy nên, bộ phận QA có trách nhiệm lập kế hoạch chất lượng theo từng đơn hàng, hướng dẫn các phòng ban lập kế hoạch chất lượng cho phòng ban của mình và giám sát bộ phận QC thực thi. Hiểu một cách đơn giản hơn, công việc chính của QA là chỉ huy QC và chịu trách nhiệm toàn bộ về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Kỹ sư công nghệ thực phẩm
Công việc chính của kỹ sư thực phẩm là theo dõi và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất thực phẩm. Cần phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và các tiêu chí khác liên quan tới hàm lượng, dinh dưỡng, các chỉ số cụ thể cho sản phẩm trước khi ra mắt thị trường.
Họ sẽ là người có nhiệm vụ tiếp nhận các đơn hàng cung cấp nguyên liệu từ các nhà cung cấp và cũng là người xây dựng kế hoạch chi tiết về khối lượng nguyên liệu tạo ra sản phẩm thực phẩm này. Kỹ sư công nghệ thực phẩm sẽ cần phải kiểm tra kỹ nguồn nguyên liệu đầu vào trước khi đưa vào sản xuất. Và cũng sẽ là người đảm bảo chất lượng đầu ra của thành phẩm.
Đồng thời họ cũng là người đảm nhận thực hiện và triển khai các hệ thống chất lượng từ các bước: Xây dựng và thiết kế, triển khai thực hiện, nghiệm thu, kiểm soát và đo lường, xem xét và cải tiến. Một số hệ thống quản lý chất lượng cần quản lý và kiểm soát như: Hệ thống tiêu chuẩn ISO 9000, hệ thống toàn diện TQM, hệ thống HACCP, hệ thống Q-Base…
Xem thêm: Các tố chất cần có của kỹ sư thực phẩm tại đây
Nhân viên kiểm soát chất lượng nguyên liệu (QC)
QC là tên viết tắt của Quality Control hay còn được hiểu là kiểm soát chất lượng sản phẩm. QC thực phẩm chính là việc kiểm soát, kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm thực phẩm đúng theo những gì mà tiêu chuẩn đã đề ra. Đây là một trong những vị trí đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến những thực phẩm chất lượng và an toàn nhất cho người tiêu dùng.
Đồng thời, nhân viên QC thực phẩm sẽ là người đứng trên cương vị của khách hàng để trải nghiệm sản phẩm, tìm ra những lỗi sai và yêu cầu khắc phục kịp thời để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Là người thực hiện các nhiệm vụ do QA đã lên kế hoạch và phân công thực hiện.
Công việc chính của họ đó là:
– Kiểm tra định kỳ chất lượng hàng hóa và vệ sinh ATTP tại hệ thống cửa hàng theo checklist đã xây dựng
– Kiểm soát việc sử dụng tem nhãn và xử lý hàng hóa không phù hợp tại hệ thống cửa hàng
– Cập nhật dữ liệu kiểm soát chất lượng, VSATTP từng cửa hàng
– Báo cáo thường xuyên với QA để có phương hướng giải quyết vấn đề kịp thời
Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D)
Công việc chính của họ sẽ là nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thực phẩm, các phụ liệu, các công thức thành phần sản phẩm,..v.v. liên quan đến chuỗi cung ứng thực phẩm.
Công việc cần đảm nhiệm đó là:
- Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm để phù hợp nhất với nhu cầu của từng khách hàng.
- Thực hiện các công việc về cải tiến và chỉnh sửa sản phẩm theo các yêu cầu của cấp trên.
- Đối với các sản phẩm mà khách hàng khiếu nại hoặc phát hiện ra lỗi thì nhân viên phải tiến hành thu hồi ngay.
- Nghiên cứu và thử nghiệm các sản phẩm mới.
- Đảm bảo về việc phát triển các sản phẩm tuân thủ theo quy định, tiêu chuẩn pháp luật.
Xem thêm: Giới thiệu ngành Công nghệ thực phẩm tại FTC tại đây